Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cùng với hơn 100 nhà lãnh đạo các các quốc gia vừa thông qua tuyên bố chung của các nước tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Việt Nam cũng cam kết cùng thế giới, ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030… Tuy nhiên, rừng ở Đắk Nông, Đắk Lắk đang bị đe dọa bị đánh mất từng ngày.
Nhiều năm qua, hàng nghìn cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng ở Tây Nguyên đã và đang phải “gồng mình” vượt lên sự khắc nghiệt của địa hình, thời tiết để bảo vệ tài nguyên rừng. Công việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm rình rập nhưng chế độ, lương bổng cho lực lượng bảo vệ rừng thì chưa tương xứng, thậm chí được ví là “ăn cám” để “giữ vàng!”.
Làm việc và sống như “người rừng”
Vườn Quốc gia Tà Đùng, Đắk Nông có hơn 21.000ha rừng, đất rừng. Nơi đây có độ cao hơn 1.900m so với mực nước biển, trong đó có 1.406 loài thực vật và 574 loài động vật, cùng những cánh rừng già nguyên sinh. Thế nên, Vườn Quốc gia Tà Đùng được xem là “miếng mồi béo bở”, luôn bị lâm tặc nhòm ngó.
Những ngày giữa tháng 11.2021, trong cái rét lạnh tê tái của mùa đông tràn về, chúng tôi đã theo chân các cán bộ của Vườn Quốc gia Tà Đùng, thực hiện cuộc tuần tra rừng kéo dài cả tuần lễ. Trước khi xuất phát, các anh kiểm tra lại hành trang cẩn thận.
Nói là hành trang nhưng thực chất mỗi người chỉ mang theo bộ quần áo, bạt, võng, nồi niêu, vài ký gạo, cá khô, mì tôm, ít chai nước lọc… Vừa ra khỏi đơn vị, đã phải đối mặt với những cơn gió buốt như muốn cắt da, cắt thịt. Thế nhưng, chỉ cần di chuyển vài trăm mét thì mọi người đều phải đổ mồ hôi.
Mục tiêu tuần tra rừng chủ yếu là quan sát những đường mòn, lối mở, để sớm phát hiện dấu vết lâm tặc vận chuyển gỗ hay không. Vất vả và nguy hiểm nhất phải kể đến việc thường xuyên trèo đèo, lội suối, vượt qua vực thẳm. Chỉ cần mất tập trung hay không may trượt chân thì người tuần tra rừng rất dễ bị tai nạn thảm khốc.
Trên đường đi, ông Khương Thanh Long – Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng – chia sẻ: “Đi rừng nhiều cũng thành quen, chỗ nào có cây gì, khu vực suối nào có cá, có rau, có vắt… thì anh em chúng tôi đều thuộc như lòng bàn tay. Thực lòng mà nói, nếu không yêu rừng, yêu công việc thì khó có thể bám trụ”.
Tương tự, cuộc sống của những cán bộ quản lý bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) cũng hết sức vất vả. Chưa nói đến chuyện tuần tra rừng, chỉ riêng việc đi từ trụ sở công ty đi đến chốt quản lý bảo vệ rừng 1219, họ phải đi bộ đường rừng gần 20km và mất gần 2 ngày mới tới nơi.
Ở nơi “rừng thiêng, nước độc”, với những cán bộ quản lý bảo vệ rừng nơi đây thì họ rất quen thuộc với những bữa cơm ăn vội giữa rừng, sống trong bóng tối, vắt rừng, muỗi đói, đua nhau tấn công. Với họ, công việc bất kể ngày đêm, luôn phải trong tư thế sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
“Hàng tháng, 26 người lao động ở trạm 1219 phải vượt hàng trăm km để tuần tra rừng trên diện tích rộng khoảng 4.000ha. Quanh năm, suốt tháng, anh em phải căng mình bảo vệ từng khu rừng. Nhìn những cánh rừng lớn lên xanh tốt, đó là niềm vui duy nhất mà người lao động quản lý bảo vệ rừng nhận được” – anh Lữ Tuy Duy, Trưởng Phân trường 1219, chia sẻ.
Chế độ bèo bọt
Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng (tỉnh Đắk Nông) đang quản lý 6.567ha rừng và đất rừng. Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính một phần (45%).
Chia sẻ về nguồn thu của đơn vị, ông Trương Trường Giang – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng – cho biết: “Nguồn thu của đơn vị chủ yếu là từ ngân sách và từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Thời gian qua, tiền ngân sách cấp chưa đủ nên nguồn thu của đơn vị không đủ chi cho hoạt động”.
Theo ông Giang, do nguồn thu hạn hẹp nên mỗi cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở đây tất tần tật chỉ có vài triệu đồng/người/tháng. Mức lương cố định, hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách có bằng đại học khoảng 4,6 triệu đồng/tháng; cao đẳng, trung cấp khoảng 4,2 triệu đồng/tháng; lao động phổ thông khoảng 3,9 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, mỗi người còn được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng tiền xăng xe để đi tuần tra rừng.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing (tỉnh Đắk Lắk) đang quản lý hơn 3.300ha rừng và đất lâm nghiệp. Hàng năm, nguồn thu của công ty chủ yếu là 300 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ và tiền chuyển nhượng vườn cây cao su giao khoán cho các hộ dân nhưng đã cạn kiệt.
Ông Trần Anh Sơn – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing – cho hay, tổng chi 1 năm của đơn vị khoảng 1,2 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị có nhiều việc phải chi cho hoạt động thường xuyên, riêng tiền đóng bảo hiểm đã ngốn khoảng 200 triệu đồng.
“Với nguồn kinh phí hạn hẹp, nên mức lương trung bình chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, đối với nhiệm vụ giữ rừng thì phải trực cả ngày lẫn đêm” – ông Sơn buồn bã.
Theo ông Lê Quang Dần – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng gồm công chức kiểm lâm địa bàn; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ…
Hiện nay, diện tích rừng giao cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng lớn, nhưng manh mún, có địa hình phức tạp, hiểm trở. Thời gian qua, đội ngũ này làm việc trong điều kiện vất vả, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Thế nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ, phương tiện hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu thốn, không đảm bảo nhu cầu thực tế.
Đặc biệt, tại các Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa, Quảng Sơn, Đắk N’tao, Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, Đắk Măng… lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang phải ăn ở, làm việc và sinh hoạt tại các chốt, trạm làm tạm bằng khung gỗ, mái tôn cũ nát, xuống cấp, ở những nơi không có điện, đường, nước sạch, sóng điện thoại…
Kỳ 2: Rừng mất, cán bộ xin… “hàng”