New Delhi, một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, mới đây đã phải ban bố lệnh đóng cửa tạm thời 5 nhà máy nhiệt điện than. Động thái này nhằm tăng cường các nỗ lực chống lại mức độ ô nhiễm cao đe dọa cuộc sống của người dân xung quanh khu vực.
New Delhi, một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, phải đối mặt với tình trạng khói bụi triền miên vào mùa Đông hàng năm. Nguyên nhân là do khí thải từ các nhà máy đốt than bên ngoài thành phố, phương tiện giao thông, thói quen đốt rạ sau mùa thu hoạch của người dân, bụi và khí thải công nghiệp khác khiến không khí ở đây trở thành một màu xám mỗi mùa đông đến.
Trước đó, ngày 12/11, mức ô nhiễm không khí ở New Delhi cũng đã rơi vào vùng “nghiêm trọng”, khiến cơ quan trên đưa ra cảnh báo khẩn cấp về y tế. Từ ngày 15/11, các trường học ở New Delhi phải đóng cửa, học sinh chuyển sang học online trong 1 tuần sau khi cơ quan kiểm soát ô nhiễm của thủ đô cảnh báo tình trạng khẩn cấp về sức khỏe do khói bụi.
Mới đây ngày 17/11, chỉ số chất lượng không khí tại thủ đô New Delhi là 386 trên thang điểm 500 – dấu hiệu của tình trạng không khí “rất kém” đe dọa những người mắc bệnh hô hấp khi tiếp xúc lâu dài.
Trước nguy cơ đó, chính quyền thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 17/11 đã ban hành một loạt biện pháp mới nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay. Trong đó, yêu cầu tạm dừng hoạt động của 5 nhà máy điện và các trường học tại New Delhi được yêu cầu tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.
Ngoài ra, ít nhất 50% nhân viên tại các cơ quan Chính phủ phải làm việc từ xa, các doanh nghiệp tư nhân được khuyến cáo thực hiện biện pháp tương tự. Động thái này nhằm tăng cường các nỗ lực chống lại mức độ ô nhiễm cao ở thủ đô New Delhi, đang đe dọa cuộc sống của cư dân trong và quanh khu vực.
Theo đó, lệnh đóng cửa tạm thời 5 nhà máy nhiệt điện than xung quanh New Delhi được đưa ra từ Hội đồng Quản lý Chất lượng không khí của Bộ Môi trường Delhi. Đồng thời, Hội đồng này cũng đã cấm xe tải chở hàng hóa không thiết yếu và tạm dừng các hoạt động xây dựng ở Delhi và các thành phố lân cận.
Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh vào đầu tháng 11, mật độ bụi mịn PM 2.5 tại New Delhi gần chạm ngưỡng 500, gấp hơn 30 lần mức an toàn theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Được biết, tháng 11 thường là khoảng thời gian xảy ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn, với sự gia tăng nồng độ của bụi mịn PM2.5 trong không khí, một phần là do nông dân đốt chất thải cây trồng trước mùa gieo sạ mới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, cùng với biến đổi khí hậu. Cải thiện chất lượng không khí có thể tăng cường các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ sức khỏe con người một cách hiệu quả.
Hàng năm, việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí sẽ gây ra 7 triệu ca tử vong sớm và làm mất đi hàng triệu năm sống khỏe mạnh của con người. Ở trẻ em, ô nhiễm có thể làm giảm sự phát triển và chức năng của phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Ở người lớn, bệnh thiếu máu cơ tim và đột quỵ – là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời. |