Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã nằm trên địa bàn huyện Nam Đông, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế và một phần thuộc tỉnh Quảng Nam, có đến 1.728 loài động vật thuộc 54 bộ, 266 họ; trong đó có 70 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 52 loài có tên trong Danh lục IUCN năm 2016. Đây cũng là địa chỉ “nóng” về nạn săn bắn, giết hại động vật hoang dã (ĐVHD).
Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện vẫn đang tiếp tục điều tra nghi án giết hại ĐVHD tại VQG Bạch Mã vào ngày 17-8; 6 người ngụ huyện Nam Đông bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ với tang vật là súng săn tự chế cùng 9 viên đạn, trong 2 ba-lô có xác 2 con chồn bay, 1 cầy vòi hương, 6 đầu linh trưởng (nghi vọoc chà vá chân nâu) và 3 phần thân linh trưởng bị thui đen. Những người này thừa nhận đã dùng súng săn tự chế để săn bắn số động vật nêu trên.
Trước đó, kiểm lâm VQG Bạch Mã cũng bắt quả tang một người (33 tuổi; ngụ thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông) vận chuyển 10 kg thịt lợn rừng. Người này khai nhận số thịt này do tự bẫy được tại tiểu khu 419, VQG Bạch Mã rồi xẻ thịt mang về.
VQG Bạch Mã cho hay mới đây tại khoảnh 2, tiểu khu 413, tổ tuần tra Trạm Kiểm lâm Hương Lộc đã phát hiện cứu chữa và thả về tự nhiên một cá thể sơn dương nặng 60 kg mắc bẫy cáp, bị thương ở chân trước, kiệt sức.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết từ năm 2020 đến nay đã tiếp nhận và cứu hộ thành công 20 cá thể động vật hoang dã, trong đó 19 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm. Ngoài ra, đã cứu hộ 208 động vật rừng là tang vật các vụ vi phạm, như: mèo rừng, sơn dương, chim.
Cũng mới đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra nhà hàng Sơn Hải Quán tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, phát hiện và thu giữ 3 cá thể cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) đã bị giết mổ; 1 cá thể kỳ đà vân (Varanus nebulosus).
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã, cho biết ngoài tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đơn vị này đã thực hiện ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học với 3 UBND xã vùng đệm, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện Nam Đông. “Chúng tôi còn chú trọng thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân sinh sống ở vùng đệm” – ông Linh cho hay.
Trong công tác đấu tranh với tội phạm săn bắn, giết mổ, vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD, ngoài lực lượng kiểm lâm còn có công an, chính quyền địa phương, các chủ rừng cũng như cộng đồng xã hội. Vậy nhưng, thực trạng này vẫn cứ tồn tại, ngày càng tinh vi hơn.
“Hãy tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đối với những khu vực có rừng để làm giảm áp lực từ việc săn, bắn, bắt, bẫy các loài động vật rừng trái phép. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng phòng hộ tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài ĐVHD” – ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, đề nghị.