Lồng ghép nông nghiệp ứng phó BĐKH trong kế hoạch cấp xã

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng tạo ra nhiều thách thức cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng. Trong bối cảnh mỗi bản làng đều gặp những vấn đề rất khác nhau với BĐKH, việc lồng ghép ứng phó BĐKH trong sản xuất nông nghiệp khi lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương đã trở thành yêu cầu cấp bách.

Trong hai ngày 16-17/11/2021, Ban Quản lý Dự án VOF – Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Hội thảo lồng ghép các chỉ số về BĐKH trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 tại hai xã Sặp Vạt (huyện Yên Châu) và Xuân Nha (huyện Vân Hồ).

Toàn cảnh hội thảo tại xã Sặp Vạt (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La)
Toàn cảnh hội thảo tại xã Xuân Nha (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La)

Tại mỗi địa bàn, Hội thảo có sự tham gia của đại diện Đảng uỷ, HĐND, UBND, các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bí thư, Trưởng bản và các thành viên Nhóm nông dân ứng phó BĐKH do dự án VOF thành lập. Hội thảo tập trung vào các tác động của BĐKH và giải pháp để giảm thiểu cũng như thích ứng với BĐKH tại địa phương. Trên hết, hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép những thảo luận này vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương, trở thành một bộ chỉ số cụ thể liên quan tới ứng phó BĐKH.

Đại biểu tham dự Hội thảo chia nhóm thảo luận về các tác động của BĐKH và giải pháp ứng phó BĐKH tại mỗi địa phương

Tại Hội thảo, Đại diện Ban Quản lý Dự án VOF tỉnh Sơn La đã giới thiệu 14 chỉ số về BĐKH do dự án VOF phát triển, cùng các tiêu chí để đánh giá các chỉ số này. Các chỉ số được chia làm 3 nhóm: Thích ứng với BĐKH, giảm thiểu BĐKH và Quản trị. Cán bộ Dự án VOF cũng hướng dẫn các đại biểu cách để lồng ghép bộ chỉ số này trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương: thời gian thực hiện lồng ghép hiệu quả nhất, các cấp độ lồng ghép và các lĩnh vực có thể lồng ghép.

Sau khi các đại biểu có được kiến thức cơ bản, Hội thảo tiến hành thảo luận nhóm về các chỉ số BĐKH cụ thể, như giảm thiểu ảnh hưởng của khô hạn và rét đậm rét hại tới sản xuất nông nghiệp; tăng cường áp dụng các mô hình canh tác sinh thái, thân thiện với môi trường; hay quản trị ứng phó BĐKH. Với mỗi vấn đề, nhóm cũng thảo luận để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời thích ứng với BĐKH trong bối cảnh cụ thể của mỗi bản làng.

Đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận về tình hình ứng phó với BĐKH tại địa phương

Từ các vấn đề mà đại biểu đưa ra, đại diện UBND hai xã đã có ý kiến ghi nhận, đồng thời khẳng định sẽ nghiêm túc nghiên cứu, đưa các đề xuất hay, khả thi vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của xã năm 2022.

Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022.

Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu.

Nguồn: