Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp cần nhanh chóng thoát khỏi tình trạng “tư duy toàn cầu – hành động địa phương”.
Chiều 15/11, Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Bộ NN-PTNT và CGIAR khu vực Đông Nam Á & Thái Bình Dương.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đang đứng trước 3 biến đổi lớn, là: biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường, và biến chuyển xu thế tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng xanh của thế giới.
Bên cạnh đó, một biến đổi nữa cũng đang hình thành trong những năm gần đây là cách tiếp cận của thế giới về nông nghiệp.
“Việt Nam đang từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh. Trước những biến đổi hầu hết đều là phi truyền thống, không riêng quốc gia nào có thể tự giải quyết, nhất là với Việt Nam đang ở đầu giai đoạn chuyển đổi tư duy kinh tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, Việt Nam cần khẳng định được giá trị trong các tổ chức quốc tế. Ông cho rằng, các đơn vị của ngành cần sớm thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức để không lãng phí nguồn lực quốc tế, tránh rơi vào tình trạng “tư duy toàn cầu – hành động địa phương”.
Là một tổ chức toàn cầu, với tôn chỉ giảm đói nghèo, cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng con người, nâng cao khả năng phục hồi hệ sinh thái, CGIAR đánh giá cao những nỗ lực của Bộ NN-PTNT thời gian qua và xem đây là đối tác chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.
Ông Jean Balie, Giám đốc khu vực Đông Nam Á & Thái Bình Dương thông tin, rằng ưu tiên của CGIAR tại khu vực là tập trung giải quyết các vấn đề về đô thị hóa, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội… tại những đồng bằng lớn, chẳng hạn như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thông qua đổi mới công nghệ, xây dựng khung pháp lý, và hoàn thiện chính sách, CGIAR giúp các nước giảm nhẹ các cú sốc về kinh tế, xã hội.
“Việt Nam là thị trường phát triển nhanh tại Đông Nam Á. Hy vọng chúng tôi và Bộ NN-PTNT tiếp tục thúc đẩy hợp tác để xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm tốt hơn nữa, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với thực phẩm sạch, và một nền sản xuất ít phát thải cácbon”, ông Balie chia sẻ.
Lắng nghe ý kiến từ CGIAR, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, Việt Nam cần sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức quốc tế trong các vấn đề về biến đổi gen, nghiên cứu giống, thay đổi phương thức canh tác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, nâng cao công nghệ và năng lực. Ông nhìn nhận, đây là vấn đề sống còn với chuyển đổi mô hình nông nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như CGIAR, vừa giúp giải quyết vấn đề nội tại, vừa giúp giải quyết các vấn đề ASEAN”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, một số khu vực như ĐBSCL đã có những sáng kiến như trồng lúa nuôi tôm đã tiếp cận được với nền nông nghiệp sinh thái, nhưng chưa phải một kế hoạch hành động mang tính tập thể. Để phát triển và lan tỏa, nông nghiệp Việt Nam cần nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật, giúp loại bỏ tư duy sản lượng và tích hợp đa giá trị.
Thông qua Hội nghị ngày 15/11, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết việc tham gia trong các diễn đàn của CGIAR, để trao đổi sâu hơn về các vấn đề của Việt Nam cũng như ASEAN. Ông cũng bày tỏ mong muốn, rằng với vị thế trung tâm khu vực, Việt Nam sẽ có một cơ hội để chuyển đổi những ý tưởng CGIAR mang lại.
Những biện pháp mà Bộ NN-PTNT dự định sắp tới, gồm chuyển giao và đào tạo, đề ra các chính sách cụ thể cho các đối tượng là HTX nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp, để tiếp cận các vấn đề mới mang tính hiện đại.
“Xây dựng chính sách nào cũng phải tính tới chi phí. Nếu không tính hết, chúng ta dễ rơi vào nền nông nghiệp đánh đổi. Những chi phí không những gồm chi phí đầu vào, mà còn cả các chi phí vô hình như chi phí làm tổn thương môi trường, làm biến dạng đi đa dạng sinh học, hệ sinh thái. Đó là lý do để Việt Nam cần những hành động quyết liệt ngay từ bây giờ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.