Grab Việt Nam ngày 15/11 công bố cam kết thực hiện một khoản đóng góp trung hòa carbon cho 1 triệu chuyến xe Grab đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam từ 0h ngày 16/11/2021.
Đồng hành cùng Grab Việt Nam còn có sự hợp tác của Quỹ Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (Quỹ Sống) để triển khai dự án Grab for Good Forest.
Theo Grab Việt Nam, việc hợp tác này nhằm hưởng ứng cam kết giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa diễn ra tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh.
Ước tính với khoản đóng góp trung hoà carbon này, Grab Việt Nam và Quỹ Sống sẽ khởi động dự án với kế hoạch trồng 5 ha rừng đầu nguồn tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Thông qua dự án Grab for Good Forest, Grab Việt Nam hướng đến mục tiêu dài hạn nhằm góp phần đóng góp trung hòa carbon, tăng độ che phủ rừng, phòng chống thiên tai, tăng khả năng hấp thụ carbon, đồng thời đảm bảo nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt của người dân và hỗ trợ các hoạt động phát triển bền vững về kinh tế – xã hội tại địa phương.
Dự án Grab for Good Forest là một trong số những sáng kiến mới nhất của Grab tại Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường, phát triển giao thông xanh, hướng tới tạo lập một môi trường bền vững cho tương lai.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho biết, Grab for Good Forest với sáng kiến trung hòa carbon, trồng rừng đầu nguồn là một trong những bước khởi đầu.
Grab Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ra những sáng kiến mang tính thực chất để góp phần bảo vệ môi trường và đóng góp tích cực vào các chương trình cộng đồng hướng đến phát triển kinh tế – xã hội bền vững tại Việt Nam.
Grab for Good Forest sẽ trở thành một phần của chương trình Forest Symphony Ninh Thuận – Trồng rừng giữ nước được Quỹ Sống và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận phối hợp triển khai từ năm 2020.
Chương trình đặt mục tiêu phủ xanh 250 ha rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ tại tỉnh Ninh Thuận vào năm 2025. Đặc biệt, dự án dự kiến sẽ giúp hơn 600.000 người dân sống lân cận lâm phận được gián tiếp hưởng lợi từ những lợi ích của rừng phòng hộ như chắn gió, cát bay, phòng hộ đầu nguồn…
Việc trồng rừng tại đây còn góp phần đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân và các hoạt động phát triển bền vững về kinh tế xã hội địa phương, đồng thời bảo tồn các loài cây bản địa vùng khô hạn đặc trưng của Việt Nam.