Khu rừng bần ở xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An là một quần thể rừng ngập mặn độc đáo, có tác dụng chống xói lở, duy trì hệ sinh thái đa dạng, tạo nên cảnh đẹp độc nhất vô nhị trên sông Lam
Từ trung tâm TP Vinh, đi khoảng 7-8 km về phía Đông Bắc là đến khu rừng bần ngập mặn thuộc xã Hưng Hòa. Dọc theo bờ đê của sông Lam, khu rừng bần xanh mướt kéo dài nhiều cây số.
Như lạc vào vùng sông nước miền Tây
Khu rừng bần ven sông Lam có diện tích khoảng 55 ha, nằm trải dài dọc theo bờ sông khoảng 4 km, chiều ngang nơi rộng nhất lên tới gần 1 km, hẹp nhất cũng khoảng 300 m. Đến đây, chúng ta sẽ ngỡ như mình đang lạc vào khu rừng nguyên sinh giữa vùng sông nước miền Tây.
Trong lúc len lỏi khám phá khu rừng, chúng tôi gặp ông Trần Văn Chương, người cư trú gần khu rừng bần mấy chục năm nay. Qua trò chuyện với ông, chúng tôi nhận ra nhiều điều độc đáo của khu rừng bần ven sông Lam này.
Theo ông Chương, người dân địa phương không ai biết rừng bần có từ bao giờ. Những cây bần cổ đã cắm rễ sâu vào lòng đất từ bao đời nay, tạo nên tường rào xanh bảo vệ làng mạc ven sông Lam. “Khu rừng bần này đã có hàng trăm năm nay, nhiều cây lớn lắm. Tôi năm nay 70 tuổi, từ khi sinh ra đã thấy khu rừng bần ven sông này rồi” – ông cho biết.
Rừng bần này không chỉ làm tường rào xanh mà còn là môi trường sinh sôi của nhiều loại thủy sản dưới tán rừng, mang lại nguồn lợi cho người dân trong vùng. Ông Lê Văn Hùng, một người dân ngụ gần khu rừng bần này, dẫn chứng: “Rừng bần phát triển là nơi trú ngụ của rất nhiều loài tôm, cá. Chúng tôi đã câu, bắt được nhiều cá hồng, cá hanh… ở đây”.
Một trong những sản vật của rừng bần ngập mặn ở xã Hưng Hòa là cáy. Cáy, còn gọi là cua càng đỏ sống, sống ở vùng nước lợ. Cáy hiện là một trong những đặc sản được người dân trong vùng rất ưa chuộng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Người dân địa phương thường dùng cáy làm nguyên liệu để chế biến nước mắm cáy – loại nước chấm rất được nhiều người ưa thích.
Từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, mỗi lúc thủy triều xuống là hàng trăm người dân địa phương chia thành nhiều nhóm đi bắt cáy. Sau 2-3 giờ lội bùn, mỗi người có thể bắt được 2-3 kg cáy. Với giá bán dao động 60.000-80.000 đồng/kg, cáy đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều người dân nơi đây.
Hệ sinh thái phong phú
Theo khảo sát của Trung tâm Khoa học và Công nghệ phối hợp với Khoa Sinh – Trường Đại học Vinh, hệ sinh thái ở khu rừng ngập mặn xã Hưng Hòa hết sức phong phú.
Cụ thể, hệ thực vật của khu rừng bần này có đến 20 loài, trong đó chiếm ưu thế là bần chua. Bên cạnh đó, 9 loài cây ngập mặn khác như ô rô, ráng, sú, lác… được phân bổ đều khắp vùng cửa sông, trên bãi ngập cao và vùng bãi cát. Động vật có 63 loài, gồm: 3 loài thú, 31 loài chim, 10 loài bò sát, 5 loài ếch nhái, 14 loài cá. Đặc biệt, loài cá sú vàng ở đây rất có giá trị về mặt kinh tế và y học thực nghiệm. Khu rừng bần này có 8 loài động vật quý hiếm: rái cá, bồ nông chân xám, quạ khoang, bói cá lớn, rắn ráo, rắn hổ trâu, cạp nong, hổ mang. Riêng nhóm chim có tính đa dạng sinh học cao nhất (31 loài, 19 họ, 12 bộ) với 13 loài trú đông…
Theo ông Trần Cao Cường, Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, ngoài việc được xem là “lá phổi xanh”, bảo vệ hệ thống đê điều, chống ngập mặn, chống xói lở, thiên tai, khu rừng bần này còn có giá trị rất lớn trong việc giữ đa dạng sinh học, tạo nên cảnh quan đẹp dọc theo sông Lam.
Nỗi lo các hồ nuôi tôm tự phát Theo ghi nhận của chúng tôi, gần khu rừng bần ven sông Lam ở xã Hưng Hòa, các hồ nuôi tôm tự phát xuất hiện ngày càng nhiều. Việc gia tăng hồ nuôi tôm ở đây đang khiến nhiều người dân trong vùng lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của khu rừng bần ngập mặn hàng trăm năm. “Thời gian gần đây, quanh khu rừng bần có rất nhiều hộ dân đào ao nuôi tôm. Nếu chính quyền địa phương không kiểm soát chặt hoạt động này thì sớm hay muộn, khu rừng bần sẽ bị tác động tiêu cực” – ông Nguyễn Hữu Hải, một người dân ở Hưng Hòa, băn khoăn. |