Nhiều quốc gia trên thế giới đã thử việc biến rác thải thành năng lượng với các chính sách phù hợp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Giữa bối cảnh hàng triệu tấn rác thải chất đống mỗi năm không được xử lý hiệu quả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, nhiều quốc gia trên thế giới đã thử việc biến rác thải thành năng lượng với các chính sách phù hợp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Rác thải cũng là tài nguyên có giá trị nếu biết cách tái chế. Bởi vậy, một số nước coi đây là tài nguyên và là nguồn năng lượng thay thế trong tương lai. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, đang xây dựng các nhà máy biến chất thải thành điện đầu tiên của vùng Vịnh mang tên Sharjah để giải quyết tình trạng rác thải tồn đọng kinh niên, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng khí đốt.
Các nhóm hoạt động vì môi trường tại đây chưa bị thuyết phục bởi ý tưởng này, bởi họ cho rằng việc sử dụng rác thải để tái chế, làm phân hữu cơ và thay đổi thói quen sinh hoạt lãng phí sẽ tốt hơn cho môi trường, đồng thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm từ các lò đốt rác phát thải nhiều khí nhà kính. Tuy nhiên, kỹ sư Nouf Wazir, từ công ty quản lý chất thải Bee’ah, cho rằng đây là một xu hướng mới để tận dụng những rác thải không thể tái chế.
Ông Wazir, một kỹ sư cấp cao của dự án trên cho biết: “Không phải ai cũng biết rằng chất thải có giá trị. Nhà máy Sharjah dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, với công suất đốt hơn 300.000 tấn chất thải mỗi năm để cung cấp năng lượng cho 28.000 ngôi nhà.
Tại Tiểu vương quốc Dubai, một nhà máy khác có chức năng tương tự cũng đang được phát triển với chi phí 1,2 tỷ USD. Theo Hitachi Zosen Inova, một trong những công ty đối tác của dự án này, sau khi hoàn thành theo kế hoạch vào năm 2024, nhà máy của Dubai sẽ là một trong những nhà máy biến rác thải thành điện năng lớn nhất thế giới, có khả năng tiêu thụ 1,9 triệu tấn rác thải mỗi năm – khoảng 45% lượng rác thải sinh hoạt hiện đang được sản xuất ở Tiểu vương này.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, lượng sử dụng điện năng tại UAE hiện đã tăng 750% kể từ năm 1990. Với dân số khoảng 10 triệu người, gấp 5 lần mức của 30 năm trước, quốc gia vùng Vịnh giàu có này đang ngày càng sử dụng nhiều điện hơn và tạo ra nhiều chất thải tính trên đầu người hơn hầu hết các quốc gia khác.
Chỉ riêng ở Dubai, có tới sáu khu chứa rác với tổng diện tích khoảng 1,6 triệu m2. Nếu không có các giải pháp song hành, các chuyên gia ước tính rằng các bãi rác sẽ chiếm 5,8 triệu m2 diện tích của Dubai vào năm 2041.
Cách đây hai năm, các nhà khoa học tại Đại học Chester (Vương quốc Anh) đã nghĩ ra phương pháp đầu tiên trên thế giới có thể biến rác thải nhựa thành nhiên liệu cung cấp cho ô tô và nhà cửa. Họ tập trung vào các vật liệu không thể tái chế như vỏ bọc thực phẩm hay các loại đồ nhựa bị vứt trên bãi biển. Họ hy vọng biến những loại nhựa này thành điện và nhiên liệu hydro thân thiện với môi trường mà không để lại chút nhựa nào trong quá trình biến đổi.
Hệ thống chuyển đổi hiệu quả này sau đó sẽ được triển khai khắp Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á để làm sạch nhựa thải và xu hướng biến rác thành điện năng đang ngày càng lan rộng trên toàn cầu.
Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch năm 2020 đã khánh thành nhà máy điện Copenhill. Nhà máy này đốt rác thải thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện. Trung bình mỗi năm Copenhill sẽ biến 450.000 tấn rác thải thành điện, cung cấp cho 30.000 hộ dân và sưởi ấm 72.000 căn nhà.
Mặc dù Copenhill vẫn sản sinh CO2 từ việc đốt rác thải, nhưng Copenhagen dự kiến lắp đặt một hệ thống để thu khí thải. Sau đó, Copenhagen còn xem xét cách lưu trữ CO2 hoặc tìm hướng sử dụng thương mại với loại khí này.
Tại Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện rất hiệu quả, nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại.
Đến nay, Tokyo đang là thành phố thành công nhất trên thế giới trong lĩnh vực xử lý rác thải với chỉ 1% lượng rác được thải ra môi trường. Mặc dù để vận hành những nhà máy này tiêu tốn một lượng điện năng khổng lồ, nhưng cả 21 nhà máy ở đây gần như không tiêu tốn một chút điện nào từ mạng điện lưới quốc gia.
Trung Quốc cũng đang cho xây dựng nhà máy biến rác thải thành điện năng ở Thâm Quyến – siêu đô thị với 20 triệu dân, sẽ đốt 1/3 trong số 15.000 tấn rác thải do thành phố thải ra mỗi ngày. Nhiệt lượng sinh ra sẽ được dẫn qua hệ thống để biến nước thành dạng hơi giống như các nhà máy nhiệt điện dùng than.
Nhà máy dự kiến sẽ sản xuất đủ điện để cung cấp cho 100.000 căn hộ, ngoài ra còn có 44m2 pin Mặt Trời sẽ bao phủ nhà máy và các vườn thăm quan được bố trí quanh nhà máy.