Một thế giới không có loài người hiện đại có thể là một vùng đất của những người khổng lồ.
Thế giới hoang sơ
Dấu ấn của nhân loại ngày nay có thể được nhìn thấy trên khắp hành tinh, từ những tòa nhà chọc trời cao chót vót xác định các đô thị hiện đại của chúng ta đến các kim tự tháp và các di tích cổ đại khác trong quá khứ. Nhưng thế giới sẽ như thế nào nếu con người chưa từng tồn tại?
Một số nhà khoa học vẽ nên bức tranh về một vùng đất hoang sơ và vô số loài, từ quen thuộc đến không quen thuộc. Trevor Worthy, nhà cổ sinh vật học và là phó giáo sư tại Đại học Flinders ở Australia, nói với Live Science: “Tôi nghĩ đó sẽ là một nơi có nhiều cây cối hơn với vô số loài động vật, có kích thước lớn trải khắp các lục địa ngoại trừ Nam Cực”.
Một thế giới không có con người hiện đại cũng có nghĩa là họ hàng loài người đã tuyệt chủng của chúng ta, chẳng hạn như người Neanderthal, vẫn sẽ ở xung quanh. Và họ, chắc chắn, cũng sẽ thay đổi cảnh quan.
Con người đã định hình thế giới với cái giá phải trả của nhiều loài, từ chim dodo (Raphus cucullatus) đến hổ Tasmania (Thylacinus cynocephalus), những loài đã tuyệt chủng bởi các hoạt động như săn bắn và phá hủy môi trường sống của loài người.
Live Science trước đó đã cho hay, tỉ lệ tuyệt chủng trên Trái đất ngày nay cao gấp hơn 100 lần nếu không có con người – theo những ước tính thận trọng nhất và không hề cao hơn kể từ sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn trắng-Cổ sinh (K-Pg) xóa sổ khoảng 80% các loài động vật, bao gồm cả loài khủng long nonavian, 66 triệu năm trước. Nói cách khác, con người va vào hành tinh này như một tiểu hành tinh, và bụi vẫn đang lắng xuống khi động vật hoang dã tiếp tục suy giảm.
“Cụ tôi đã có thể quan sát hàng nghìn con vẹt đuôi dài trong thiên nhiên, ông tôi nhìn thấy một đàn hàng trăm con, cha tôi nhìn thấy một vài con và tôi, nếu may mắn, có thể nhìn thấy hai con trong rừng” – Worthy nói.
Sự suy giảm tự nhiên do con người chỉ ra rằng Trái đất sẽ là một nơi hoang dã hơn rất nhiều nếu không có chúng ta.
Những con moas khổng lồ (loài chim giống đà điểu, một số có thể cao tới 3,6m) và đại bàng Haast là những ví dụ gần đây về các loài động vật lớn mà sự tuyệt chủng của chúng chắc chắn gắn liền với các hoạt động của con người, chẳng hạn như săn bắn không bền vững.
Sự tồn tại của các loài động vật lớn là rất quan trọng để suy đoán về một Trái đất không có con người, vì những con thú này có tác động nặng nề đến cảnh quan.
Trái đất Serengeti
Sören Faurby, giảng viên cao cấp về động vật học tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển, tin rằng con người đóng vai trò quan trọng trong sự biến mất của nhiều loài thuộc thế giới động vật có vú lớn cách đây hàng nghìn năm. Ông dẫn đầu một nghiên cứu năm 2015, được công bố trên tạp chí Diversity and Distributions, gợi ý rằng nếu không có con người, Trái đất sẽ phần lớn giống với Serengeti ngày nay – hệ sinh thái Châu Phi đầy ắp sự sống.
Trong kịch bản này, những loài động vật đã tuyệt chủng tương tự như những loài được tìm thấy ở Serengeti ngày nay – bao gồm voi, tê giác và sư tử – sẽ sống trên khắp Châu Âu. Ví dụ, thay vì sư tử Châu Phi (Panthera leo), vẫn sẽ có sư tử hang động (Panthera spelaea) – loài lớn hơn một chút sống ở Châu Âu cho đến khoảng 12.000 năm trước. Trong khi đó, Châu Mỹ sẽ là nơi sinh sống của họ hàng voi và gấu khổng lồ, cùng với các loài độc đáo, như họ hàng của tatu (armadillo – loài thú có mai) có kích cỡ như ô tô có tên là Glyptodon và những con lười đất khổng lồ (ground sloth).
Faurby nói với Live Science: “Trong một thế giới không có con người, sẽ có sự đa dạng lớn hơn về các loài động vật có vú lớn và nếu bạn thấy sự đa dạng của các loài động vật có vú lớn hơn, bạn sẽ có xu hướng thấy một môi trường sống cởi mở hơn nhiều”.
Những động vật lớn như voi được gọi là megafauna. Trong thời kỳ băng hà cuối cùng của kỷ Pleistocen (2,6 triệu đến 11.700 năm trước), thế giới rất phong phú megafauna, nhưng hầu hết đã chết dần khi kỷ băng hà kết thúc, hoặc trong nhiều thiên niên kỷ kể từ đó. Ví dụ, khoảng 38 chi động vật lớn đã tuyệt chủng ở Bắc Mỹ vào cuối kỷ băng hà cuối cùng, theo một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Trong thế kỷ qua, các nhà khoa học đã tranh luận về việc liệu những thay đổi khí hậu tự nhiên hay các hoạt động của con người, chẳng hạn như săn bắn quá mức, có phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của những loài động vật lớn này hay không.
Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Nature kết luận rằng biến đổi khí hậu cuối cùng đã quét sạch voi ma mút lông cừu (Mammuthus primigenius) và các loài động vật sống ở Bắc Cực khác sống sót sau thời kỳ cuối của kỷ Pleistocen, do khí hậu ấm lên khiến thảm thực vật chúng ăn quá ẩm ướt không thể tồn tại.
Họ hàng của loài người hiện đại
Con người hiện đại (Homo sapiens) như chúng ta ngày nay không phải lúc nào cũng là tông người (hominin) duy nhất, và nếu chúng ta không tồn tại có thể đã mở ra cánh cửa cho những người anh em họ Neanderthal. Các nhà khoa học không chắc tại sao người Neanderthal lại tuyệt chủng cách đây khoảng 40.000 năm, nhưng vì họ lai với người hiện đại nên các phần ADN của họ vẫn tồn tại trong một số chúng ta. Có thể có nhiều lý do dẫn đến sự diệt vong của người Neanderthal, nhưng người hiện đại là nghi phạm chính.
Chris Stringer, giáo sư và trưởng nhóm nghiên cứu về nguồn gốc loài người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, cho rằng sự cạnh tranh về tài nguyên là một yếu tố dẫn đến sự biến mất của người Neanderthal. “Nếu chúng ta không đến đây, nếu chúng ta không đến Châu Âu cách đây 45.000 hoặc 50.000 năm trước, tôi nghĩ họ có thể sẽ vẫn ở đây” – ông nói với Live Science.
Theo Stringer, người Neanderthal có cuộc sống phức tạp hàng đầu ở Châu Âu, tương tự như người hiện đại, nhưng họ gặp khó khăn trong việc đối phó với những thay đổi khí hậu và số lượng tương đối ít, đa dạng di truyền thấp.