Theo Tổ chức Chương trình Định cư Con người Liên Hiệp Quốc (UN Habitat), các thành phố tiêu thụ 78% năng lượng của thế giới và tạo ra hơn 60% lượng khí thải nhà kính, nhưng chúng chỉ chiếm chưa đến 2% bề mặt Trái đất.
Trước thực trạng trên, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh), bà Inger Andersen, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) vừa kêu gọi thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng.
“Tổng diện tích các tòa nhà đang được xây dựng mỗi tuần tương đương với diện tích của Paris (Pháp), do đó, chúng ta cần suy nghĩ điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu, đa dạng sinh học, khả năng sống và chất lượng cuộc sống. Chúng ta cần phải xây dựng hiệu quả hơn”, bà Andersen cho biết.
Theo bà Andersen, ngành xây dựng chịu trách nhiệm cho 37% lượng khí thải CO2, với các vật liệu xây dựng như xi măng chiếm 10% lượng khí thải toàn cầu.
“Chúng ta đã không dành nhiều sự quan tâm đến khả năng phục hồi, một tòa nhà đủ tiêu chuẩn được xây dựng ngày nay sẽ vẫn được sử dụng vào năm 2070 và tác động khí hậu mà nó phải hứng chịu sẽ rất khác. Việc cải tạo hay phục hồi có thể mang lại hiệu quả và tạo điều kiện sống ở mức độ cao”, người đứng đầu UNEP nhấn mạnh.
Theo UNEP, chỉ có 19 quốc gia bổ sung các quy định về hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà và áp dụng chúng. Đáng chú ý, hầu hết các hoạt động xây dựng trong tương lai sẽ diễn ra ở các quốc gia không có các biện pháp này.
“Chúng ta cần thúc đẩy sự chuyển đổi sang các tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Chúng ta phải xây dựng các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả hơn”, bà Andersen nói, đồng thời kêu gọi các chính phủ tăng cường tham vọng nếu muốn thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0.