Việc xây dựng mô hình đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 để thực hiện cam kết trong cuộc chiến khí hậu là một bước đột phá về chính sách khí hậu của Australia, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới trong một nền kinh tế năng lượng mới.
Chính phủ Australia vừa công bố mô hình đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, trong đó công nghệ đóng vai trò trọng tâm. Do đó, việc phát triển và ứng dụng các công nghệ mới không chỉ giúp giảm khí phát thải mà còn hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động này đến nền kinh tế.
Với mô hình dự báo, việc phát triển công nghệ mới sẽ tạo ra khoảng 100.000 việc làm mới trong các ngành này tại Australia. Trong đó, 62.000 việc làm mới được tạo ra trong ngành khai thác mỏ và công nghiệp nặng. Bên cạnh đó, khi sở hữu các công nghệ phát thải thấp, Australia cũng sẽ góp phần làm kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng gấp 3 lần vào năm 2050.
Theo đó, mô hình đề cập các biện pháp đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và tác động của việc thực hiện mục tiêu này tới nền kinh tế. Cụ thể:
Thứ nhất là giảm tổng lượng phát thải và cường độ phát thải trong quá trình sản xuất và tiêu dùng kinh tế. Trong đó, việc khai thác than sẽ giảm 50% vào năm 2050 trong khi hoạt động xuất khẩu than và khí gas cũng sẽ giảm trong thời gian tới.
Thứ 2 là tăng cường việc hấp thụ carbon thông qua việc trồng rừng, trồng thêm cây trong các trang trại, và tăng cường hiệu quả của việc quản lý lâm nghiệp.
Thứ 3 là tăng việc mua bán hạn ngạch khí thải với các nước trong khu vực. Và cuối cùng là thúc đẩy các công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Trong đó phát triển công nghệ giảm phát thải là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể các công nghệ sẽ được Australia ưu tiên phát triển trong thời gian tới gồm hydrogen sạch, năng lượng mặt trời giá thấp, lưu trữ năng lượng, thép phát thải thấp, nhôm phát thải thấp, công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, carbon đất.
Hiện tại Australia đã có kế hoạch đầu tư 21 tỉ AUD đến năm 2030 để giúp phát triển các công nghệ này. Nếu việc phát triển các công nghệ mới không đạt kỳ vọng thì với các biện pháp như hiện tại Australia chỉ cắt giảm được 85% khí phát thải như mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Australia Scott Morrison từng nhiều lần khẳng định rằng, do đặc thù riêng nên nước này không sử dụng thuế mà sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 bằng phương thức riêng. Mô hình mới được công bố ngày hôm nay với trọng tâm là thúc đẩy việc phát triển và áp dụng công nghệ giảm phát thải được Australia hy vọng sẽ là mũi tên trúng nhiều đích, vừa giúp nước này cắt giảm khí thải, vừa tạo thêm nhiều việc làm mới trong một nền kinh tế năng lượng mới.
Trước đó, vào tháng 10, Australia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, tiến gần hơn tới nỗ lực quốc tế về chống biến đổi khí hậu, theo lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc và đa số các quốc gia phát triển lớn khác trên toàn cầu.
Cam kết này sẽ là một bước đột phá trong chính sách khí hậu của Australia, có khả năng tác động đáng kể tới hoạt động các doanh nghiệp, trong bối cảnh ngành năng lượng và khai khoáng đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế quốc gia.
Bên cạnh cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Thủ tướng Morrison cũng sẽ công bố một nâng cấp đáng kể kế hoạch hành động để cắt giảm nhiều hơn nữa khí thải carbon vào năm 2030, nhưng không xác định con số mục tiêu cụ thể. Theo Thủ tướng Australia, quốc gia này sẽ tiếp tục giảm lượng khí thải, trong khi vẫn giữ cho nền kinh tế quốc gia phát triển, duy trì nguồn năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng và đảm bảo các địa phương phát triển vững mạnh.
Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) bước sang giai đoạn đàm phán mới sau khi dự thảo đầu tiên về tuyên bố chung của hội nghị được công bố vào ngày 10/11.
Dự thảo nhấn mạnh để đạt được mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris, cần có hành động có ý nghĩa và hiệu quả trong “thập kỉ quan trọng này” và kêu gọi các quốc gia, vào cuối năm 2022, đưa ra các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đồng thời “xem xét lại và củng cố” các mục tiêu cắt giảm phát thải vào năm 2030 trong các kế hoạch quốc gia để phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris. Các nhà khoa học cho rằng, để khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thế giới phải giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải bằng 0 vào giữa thế kỉ này. |