Đấu giá sừng tê giác “ảo” để bảo vệ tê giác thật

Ngày 11/11, phiên bản kỹ thuật số (NFT) của sừng tê giác đã được bán trong một cuộc đấu giá tại Nam Phi nhằm quyên góp tiền để bảo vệ quần thể tê giác nơi đây.

Doanh nhân Cape Town Charl Jacobs đã trả 105.000 rand, tương đương 6.850 đô la cho chiếc sừng kỹ thuật số với niềm tin “nếu trường hợp xấu nhất xảy ra với tê giác, tôi sẽ vẫn sở hữu một chiếc sừng của chúng bởi NFT là mã thông báo của sừng tê giác thật”.

Ảnh: Philip FONG AFP/File

Số tiền thu được được tài trợ cho tổ chức bảo tồn tê giác Black Rock, nơi sinh sống của 200 cá thể tê giác có khả năng sinh sản được bảo vệ khỏi những kẻ săn trộm.

“Chúng tôi đang tăng gấp đôi dân số của mình sau mỗi bốn năm, vì vậy, đây là một dự án bảo tồn thực sự quan trọng. Nhưng nó vô cùng tốn kém. Nếu bạn không muốn bị săn trộm, bạn phải tiêu tốn rất nhiều về nhân lực và hạ tầng an ninh. Và đây là cách giúp chúng tôi tài trợ cho mục tiêu này”, nhà bảo tồn Derek Lewitton cho biết.

Các mã thông báo không thể thay thế (NFT) đã gây được tiếng vang lớn trong giới sưu tập nghệ thuật, những người sẵn sàng chi hàng triệu đô la cho các phiên bản kỹ thuật số, âm nhạc và video. Tính xác thực của NFT được chứng nhận bởi công nghệ chuỗi khối có tính bất biến khiến các đối tượng kỹ thuật số trở thành thứ có thể mua và bán.

Việc buôn bán sừng tê giác thật ở Nam Phi là hợp pháp nhưng trong trường hợp này, sừng gốc được bảo mật tuyệt đối và các nhà bảo tồn chỉ bán đấu giá các phiên bản những chiếc sừng thật.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, những kẻ săn trộm đã giết ít nhất 249 cá thể tê giác ở Nam Phi, nhiều hơn 83 cá thể so với nửa đầu năm ngoái. Những cá thể bị giết để lấy sừng thường được nhập lậu vào châu Á, nơi chúng được sử dụng chủ yếu cho mục đích y học cổ truyền.

Linh Nhi (Theo france24.com)

Nguồn: