Thêm 24 giờ để COP26 có thêm thời gian đi tới một thỏa thuận đầy tham vọng vào phút chót

Sáng ngày 13/11 theo giờ Anh, Chủ tịch COP Alok Sharma cho biết: Dự thảo sửa đổi của thỏa thuận sẽ được công bố và sau đó tiếp tục được thảo luận đến chiều cùng ngày do các bên đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận tham vọng.

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow của Anh phải kéo dài thêm một ngày để các nhà đàm phán đến từ 197 quốc gia có thêm thời gian đi tới một thỏa thuận.

Phóng viên TTXVN tại Anh dẫn lời Chủ tịch COP Alok Sharma cho biết dự thảo sửa đổi của thỏa thuận sẽ được công bố vào sáng ngày 13/11 theo giờ Anh và sau đó tiếp tục được thảo luận đến chiều cùng ngày.

Lá cờ của Hội nghị COP26. (Ảnh: vtv.vn)

Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng nước chủ nhà COP26, Boris Johnson kêu gọi lãnh đạo các nước thể hiện “niềm tin và can đảm” bằng cách chấp thuận duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Theo ông Boris Johnson, đã có sự thừa nhận rộng rãi về những tiến bộ đạt được trong dự thảo thỏa thuận Glasgow, bao gồm hành động đối với phát thải khí methane, các kế hoạch đẩy mạnh giảm phát thải và việc nước giàu thừa nhận việc không hoàn thành các mục tiêu hỗ trợ tài chính cho những nước dễ bị tổn thương nhất.

Tuy nhiên, trong các phiên thảo luận trong chiều 12/11, bản dự thảo thứ 2 do Chính phủ Anh công bố vẫn tiếp tục gặp nhiều chỉ trích. Tổ chức “Theo dõi hành động khí hậu” – một tổ chức chuyên phân tích về các chính sách môi trường, đánh giá với các cam kết mà các nước đưa ra tại COP26, Trái Đất vẫn sẽ nóng lên 2,4 độ C vào cuối thế kỉ 21 và đó sẽ là một kịch bản thảm họa cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc đảo ở Thái Bình Dương và các nước châu Phi.

Ngoài các tranh cãi về cam kết giảm khí phát thải, ngày họp cuối của COP26 cũng chứng kiến việc các nước đang phát triển gây sức ép lớn buộc các quốc gia phát triển giàu có thực hiện đúng cam kết của Thỏa thuận Paris 2015, là đến năm 2020 phải đóng góp ít nhất 100 tỉ USD mỗi năm nhằm hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu.

Yêu cầu này nhận được sự ủng hộ lớn từ Thủ tướng Anh Boris Johnson, tuy nhiên các nước phát triển dự kiến đến năm 2023 mới hoàn thành được cam kết này.

Trước việc còn quá nhiều bất đồng chưa tìm được giải pháp, trong tối ngày 12/11, đại diện nhiều nước đã lên tiếng thúc giục các bên chấp nhận nhân nhượng để đạt thỏa thuận bởi nếu COP26 thất bại, hậu quả đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ vô cùng tồi tệ. Dự kiến, Chủ tịch COP26 – ông Alok Sharma sẽ công bố một dự thảo mới trong sáng ngày 13/11 và kêu gọi các nước sớm thống nhất để đạt được thỏa thuận trong chiều 13/11.

Đặc phái viên Mỹ về khí hậu, ông John Kerry cho rằng đây là mệnh lệnh bắt buộc vì ngay ở thời điểm hiện tại đã có những quốc gia đối mặt với nguy cơ sống còn vì biến đổi khí hậu. Người đứng đầu về chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu – ông Frans Timmerman thì cho rằng, thỏa thuận vẫn có thể đạt được nhưng cần một nỗ lực lớn cuối cùng của tất cả các bên.