Nhiều cây rừng tái sinh tự nhiên nhiều năm tuổi mọc từng đám với diện tích lớn trên đất rừng sản xuất đã bị đốn hạ để lấy đất trồng keo tràm. Tình trạng này diễn ra ồ ạt tại xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn.
Cây rừng ngã xuống, keo tràm mọc lên
Từ Km27 ở Quốc lộ 9 đoạn qua huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đi vào tuyến đường dẫn đến thôn Cát, Trỉa (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tầm vài cây số, rồi rẽ hướng tay phải theo các đường dốc quanh núi, là đến tiểu khu 603B. Khi chúng tôi có mặt, tiếng máy cưa ở nhiều nơi vang lên, xung quanh là cảnh cây rừng trồng và cây rừng tái sinh đã bị cưa cắt. Nhiều khu vực đã và đang đốt thực bì, trên đất còn tồn tại nhiều cây rừng tái sinh bị cháy sém, có nơi khói còn đang nghi ngút.
Bám theo các con đường đất được xẻ dọc ngang ở tiểu khu trên, chúng tôi tiếp cận địa điểm có tiếng máy cưa ở một quả đồi có dốc đựng đứng. Khi đến gần, 1 đoàn gần 10 người ngừng cưa xẻ, thu vén máy cưa và một số vật dụng để rời đi. Hỏi thì 1 người đàn ông trong đoàn mới hay, họ được thuê cưa cây, rồi tập kết gỗ ở 1 địa điểm để đưa lên xe đi bán.
“Chúng tôi là người đồng bào thiểu số, không có việc làm nên đi làm thuê. Mỗi ngày 1 người được trả 200 nghìn đồng, họ chỉ đâu thì chúng tôi cưa chứ không hay biết gì” – người đàn ông nói.
Kiểm tra tại tọa độ E00566632 N01861921, thì phát hiện nhiều cây rừng có đường kính từ nhỏ đến lớn đã bị cưa thành từng khúc ngắn. Khu vực trên là một vách đồi có độ dốc lớn, từ dưới chân đồi lên đến tọa độ trên tuyệt nhiên không có cây rừng trồng, mà toàn bộ là cây rừng tái sinh.
Di chuyển đến các tọa độ E00566749 N01862220; E00566626 N01862059… trong tiểu khu 603B, cũng bắt gặp các khoảnh đồi có cây rừng tái sinh đã bị đốn hạ, đốt dọn thực bì để trồng cây keo tràm. Các diện tích có tồn tại cây rừng tái sinh không phải đám nhỏ, có nơi ước lượng vài ha và chủ yếu tập trung ở các vách đồi có độ dốc, khu vực gần khe suối…
Tận thu để trồng lại rừng, hay giữ lại?
Ông Nguyễn Văn Cung – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Gio Linh – cho biết, từ năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định thu hồi 450ha đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 (gọi tắt Công ty Lâm nghiệp Đường 9) để giao lại cho huyện Gio Linh. Sau khi Công ty Lâm nghiệp Đường 9 khai thác xong diện tích rừng trồng trên đất, năm 2021 đã bàn giao đủ 450ha cho địa phương, và địa phương đã giao lại cho xã Linh Trường.
“Quá trình bàn giao, kiểm lâm địa bàn đã đi thực địa và xác định toàn bộ diện tích đất đã tiếp nhận và bàn giao lại cho xã là đất trống” – ông Nguyễn Văn Cung nói.
Ông Cung cho biết thêm, tiểu khu 603B với các tọa độ nói trên nằm trong diện tích 450ha mà Công ty Lâm nghiệp Đường 9 bàn giao lại, thiết kế là rừng trồng sản xuất, trên bản đồ không có rừng tự nhiên.
Trước thông tin có nhiều diện tích lớn không có rừng trồng mà có nhiều cây rừng tái sinh trên đất hiện đang bị cưa cắt, ông Cung nói dưới khe suối có cây gỗ tạp phát triển rất nhanh. “Đất đã cấp sổ rồi, cây tái sinh thì cắt đi thôi. Giao cho địa phương rồi, có cây thì tận thu” – ông Cung cho hay.
Ông Hồ Văn Hầu – Chủ tịch UBND xã Linh Trường – cho biết, tại tiểu khu 603B có một số diện tích đất có cây rừng tái sinh. Lý do là vì trồng rừng nhưng cây bị chết, nên cây rừng tái sinh mọc lên cả chục năm nay. Song song với quá trình Công ty Lâm nghiệp Đường 9 khai thác rừng trồng, thì nhiều người dân lợi dụng khai thác cây rừng tái sinh này.
“Những vị trí dễ thì người dân cưa cắt rồi, còn một số diện tích ở nơi dốc thì chưa cưa cắt được” – ông Hầu thông tin.
Cũng theo ông Hầu, quá trình đi kiểm tra thấy ở các réc (vị trí gần khe suối) còn cây rừng tái sinh to. Người dân ở các vùng lân cận tìm cách đến để chặt hạ, lấy gỗ bán dăm, nên xã đang bàn bạc để xin ý kiến của huyện xem diện tích có cây tự nhiên thì khai thác luôn để trồng tràm hay là giữ lại.