Hàng loạt các sai phạm liên quan đến khai thác khoáng sản ở Nghệ An vừa qua đã bị cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố…đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn về công tác giám sát, quản lý.
Thực trạng này tồn tại, xảy ra trong suốt thời gian dài khiến cho nguồn tài nguyên Quốc gia bị thất thoát, lợi ích rơi vào một nhóm người trong khi hệ lụy về môi trường tự nhiên vốn dĩ được tích tụ từ hàng ngàn năm bị tác động khó có thể tái tạo, phục hồi.
Ngang nhiên “móc ruột” tài nguyên Quốc gia
Qua thống kê cho thấy, Nghệ An được xác định là tỉnh có mặt đầy đủ các nhóm loại khoáng sản phong phú có giá trị kinh tế và tiềm năng cao, chủ yếu phân bổ ở khu vực các huyện, thị phía Tây.
Huyện Quỳ Hợp lâu nay cũng được xác định là “thủ phủ” khoáng sản của tỉnh Nghệ An với mật độ phân bổ, trữ lượng lớn được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm. Những dãy đồi bị đào bới, san phẳng để phục vụ khai thác khoáng sản như đá hoa trắng, quặng, thiếc… bây giờ nhìn vào hệ chiếu của bản đồ vệ tinh có thể dễ thấy rõ thực trạng này.
Không thể phủ nhận, nguồn thu từ khai thác khoáng sản đã mang lại rất nhiều lợi nhuận kinh tế cho địa phương nhưng đằng sau đó, hệ lụy của việc khai thác ồ ạt, không đúng quy trình đã tác động rất lớn tới môi trường tự nhiên có mất cả nghìn năm sau cũng khó có thể phục hồi được. Đặc biệt, vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép với dấu hiệu “tiếp tay” hoặc cố tình làm ngơ của một bộ phận không nhỏ được giao nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước đã gây nhức nhối kéo dài đối với người dân địa phương.
Vụ việc chiều 13/7, tại khu vực xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, dưới sự chỉ huy, có mặt trực tiếp tại hiện trường, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng dưới quyền tiến hành bắt quả tang hàng chục đối tượng cùng nhiều tang vật máy móc khai thác đá hoa trắng trái phép ở khu vực này đến nay vẫn còn âm ỉ trong dư luận.
Bởi không hiểu vì sao, khu vực mỏ đá này lại có thể ngang nhiên tồn tại để khai thác suốt thời gian qua mà cơ quan chức năng lẫn chính quyền sở tại không ngăn chặn? Chỉ đến khi Công an tỉnh vào cuộc khởi tố, bắt giam các đối tượng liên quan thì khu vực này đã bị khai thác với quy mô khai trường rộng lớn, núi đồi bị băm nát và thất thoát về tài nguyên Quốc gia vô cùng lớn.
Tiếp đó, vào sáng 19/9, Công an tỉnh Nghệ An cũng bất ngờ “đột kích” điểm khai thác khoáng sản trái phép tại đập chứa nước Bầu Cơm, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An dưới “vỏ bọc” nạo vét lòng hồ. Hàng loạt phương tiện cơ giới tải trọng lớn cũng được huy động vào đây để tận thu khoáng sản chở đi khắp nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đáng quan tâm, việc nạo vét lòng hồ đập Bầu Cơm kết hợp tận thu khoáng sản chỉ được thực hiện vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm (mùa kiệt) nhưng đến tháng 9, Công ty cổ phần khoáng sản GD Việt Nam (doanh nghiệp được giao thi công nạo vét lòng hồ) vẫn ngang nhiên “xé rào” quy định để cho máy móc, phương tiện vào đào bới tận thu khoáng sản.
Cần cụ thể hoá trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương
Luật Khoáng sản năm 2010 và các quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản đã được pháp luật quy định rất cụ thể, giao trách nhiệm cho từng cấp có thẩm quyền liên quan.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương trong đó có tỉnh Nghệ An vẫn để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra, thậm chí tạo nhiều lỗ hổng để một nhóm cá nhân, tổ chức trục lợi trái quy định từ nguồn tài nguyên Quốc gia. Trong khi đó, các khung thiết chế theo quy định mà cơ quan ban hành Luật cũng chỉ rõ nhưng sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm ở một số bộ phận cơ quan công quyền vẫn còn tồn tại.
Được biết, từ năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 47/2017-UBND về việc ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Vậy nhưng, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy các quy định về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này vẫn còn chung chung, chưa nêu ra chế tài xử lý, kỷ luật cụ thể..
Đơn cử như trách nhiệm đối với cấp xã là chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp huyện và trước pháp luật khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc nhận được thông tin phản ánh nhưng cố tình chậm trễ trong việc xử lý hoạt động khoáng sản trái phép…
Mặt khác, các quy định gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương phải thực hiện nhưng Quyết định 47 cũng không đề cập tới vấn đề xử lý trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã, huyện…như thế nào. Chính vì vậy, nếu để ra tình trạng khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản trái phép thì chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện nhưng trách nhiệm như thế nào thì Quyết định 47 của UBND tỉnh Nghệ An chưa đưa ra điều khoản ràng buộc rõ ràng.
Tình trạng này sẽ tạo ra kẽ hở trong công tác xử lý kỷ luật cá nhân, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý hành chính nhà nước theo kiểu “dơ cao đánh khẽ” vì chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn. Và, khi xảy ra tình trạng sai phạm trong lĩnh vực khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản bị cơ quan cấp trên phát hiện, người đứng đầu địa phương, tổ chức được giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý sẽ có muôn vàn lý do cả khách quan lẫn chủ quan để thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Ngày 21/10/2021, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký ban hành Quyết định 3892/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp và trách nhiệm của UBND cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ do đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn.
Niên độ thời gian sẽ tiến hành kiểm tra từ thời kỳ ngày 01/01/2018 đến nay đối với 12 doanh nghiệp đang có hoạt động khai thác khoáng sản gồm: huyện Quỳ Hợp (9 doanh nghiệp), Tân Kỳ (02 doanh nghiệp), Quỳnh Lưu (01 doanh nghiệp). Thời hạn kiểm tra trong vòng 75 ngày kể từ khi công bố quyết định kiểm tra. |