Biến đổi khí hậu đe dọa nông dân Việt Nam và nông nghiệp toàn cầu

Tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán đang hiện hữu ngày càng rõ rệt hơn, gây thiệt hại cho nền nông nghiệp toàn cầu. Với đất nước có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Việt Nam không tránh khỏi những hệ lụy tiêu cực.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Food đã khám phá những tác động do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra đối với nông nghiệp toàn cầu.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các yếu tố như nhiệt độ tăng, sự thay đổi về lượng mưa, tần suất gia tăng của sóng nhiệt và hạn hán, phát thải khí nhà kính về cơ bản sẽ ảnh hưởng đến cây trồng trên toàn thế giới, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng đang tồn tại.

Tác giả chính của nghiên cứu Jonas Jägermeyr, nhà khoa học khí hậu và người lập mô hình cây trồng tại Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA (GISS) cho biết: “Chúng tôi thấy rằng các điều kiện khí hậu mới đẩy năng suất cây trồng vượt ra ngoài phạm vi bình thường ở nhiều vùng. Phát thải khí nhà kính do con người tạo ra dẫn tới nhiệt độ cao hơn, thay đổi mô hình lượng mưa và đẩy lượng CO2 cao hơn hơn trong không khí. Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng cây trồng và chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của tín hiệu biến đổi khí hậu sẽ xảy ra trong vòng một thập kỷ tới hoặc sau đó ở nhiều khu vực quan trọng trên toàn cầu”.

Biến đổi khí hậu đe dọa sản lượng lượng thực toàn cầu

Bằng cách phân tích các dự báo khí hậu mới và các mô hình cây trồng hiện đại, Jägermeyr và các đồng nghiệp của ông nhận thấy, các khu vực như Bắc và Trung Mỹ, Trung và Đông Á, và Tây Phi sẽ chứng kiến ​​sản lượng ngô giảm tới 20% trong những năm tới.

Trong khi đó, sản lượng lúa mì có thể tăng ở các khu vực như miền Bắc nước Mỹ, Canada hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi nhuận lúa mì ở khu vực Bắc bán cầu sẽ không thể bù đắp cho tổn thất ngô đáng kể ở nam bán cầu. Mặc dù mức CO2 cao hơn thực sự có thể tác động tích cực đến sự phát triển của lúa mì nhưng nó cũng làm giảm giá trị dinh dưỡng của những cây trồng này.

Lúa mì bị mất mùa. (Ảnh: ThienNhien.net)

Đồng tác giả nghiên cứu, Christoph Müller, một nhà nghiên cứu tại PIK giải thích: “Tác động rõ ràng nhất mà dữ liệu thể hiện, đó là các nước nghèo hơn có thể chịu sự sụt giảm sản lượng các loại cây trồng chủ lực mạnh nhất. Điều này càng làm trầm trọng thêm những khác biệt đã tồn tại về an ninh lương thực và sự giàu có”.

Giáo sư Jägermeyr kết luận: “Điều này có nghĩa là nông dân cần phải thích nghi nhanh hơn nhiều, chẳng hạn bằng cách thay đổi ngày gieo trồng hoặc sử dụng các giống cây trồng khác nhau để tránh thiệt hại nặng nề nhưng vẫn phải đạt được lợi nhuận ở các vùng có vĩ độ cao hơn”.

Ảnh hưởng của BĐKH đến kinh tế nông nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL bị ngập chìm không còn khả năng canh tác.

Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…

Lũ lụt tàn phá những ruộng ngô đến lúc thu hoạch. (Ảnh minh họa: Nguồn Interrnet)

Thứ hai, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng ĐBSH và ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển.

Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở ĐBSCL và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng ĐBSCL cần được hỗ trợ về nông nghiệp.

Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm mạnh. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), BÐKH làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050…

Dự báo đến năm 2100, khu vực ĐBSCL có nguy cơ bị ngập 89.473 ha, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo.

Thứ ba, nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Cụ thể là năng suất lúa của vụ xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ đông có xu hướng tăng ở Đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ.

Hạn hán ảnh hưởng đến phân bố cây trồng. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Thứ tư, đối với ngành Thủy sản: Việt Nam hiện có khoảng 480.000 người trực tiếp tham gia vào đánh bắt hải sản; 100.000 người làm việc ở ngành chế biến thủy sản và khoảng 2.140.000 người tham gia vào các dịch vụ nghề cá. Các sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, là những sinh kế phụ thuộc vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển, là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của BĐKH.

Thứ năm, đối với tài nguyên rừng và hệ sinh thái: Thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng bị suy thoái trầm trọng: Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặt ven biển tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở ĐBSCL; Nhiệt độ và lượng nước bốc hơi tăng làm hạn hán kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của các loài thực vật và động vật rừng.