Trong thế giới động vật, những con giun dương vật là một trong những kẻ săn mồi hàng đầu ở các vùng biển cổ đại, nhưng bản thân chúng cũng cần được bảo vệ.
Kỷ Cambri (cách đây 543 triệu đến 490 triệu năm) đã mang đến sự bùng nổ lớn về đa dạng sinh học đầu tiên cho Trái đất, là thời điểm tổ tiên của hầu hết các loài động vật hiện đại lần đầu tiên xuất hiện. Một trong những loài đáng sợ nhất trong số đó là giun dương vật.
Giun dương vật, có tên khoa học là Priapulida, là một ngành gồm các loài giun biển. Tên của chúng xuất phát từ tên vị thần Hy Lạp của sự sinh sản, bởi hình dáng của chúng có thể làm liên tưởng đến dương vật.
Loài giun biển này đã tồn tại trong các đại dương trên thế giới trong 500 triệu năm. Con cháu hiện đại của chúng phần lớn sống trong những hang bùn sâu dưới nước, đôi khi khiến những ngư dân hoảng sợ vì thân hình mềm mại hình dương vật của chúng.
Nhưng các hóa thạch có từ đầu kỷ Cambri cho thấy giun dương vật từng là tai họa của các vùng biển cổ đại, phân bố rộng rãi trên khắp thế giới. Chúng sở hữu miệng có răng nanh, có thể há rộng để nuốt gọn con mồi.
Mặc dù là một trong những kẻ săn mồi hàng đầu ở các vùng biển cổ đại, nhưng bản thân giun dương vật không phải là không sợ hãi. Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Current Biology ngày 7.11, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 4 hóa thạch Priapulida nằm gọn trong vỏ hình nón của loài Hyolitha – một nhóm động vật biển đã tuyệt chủng từ lâu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, vì tất cả các con giun đều được tìm thấy trong cùng một loại vỏ và ở cùng một vị trí, nên có khả năng những con giun đã chiếm vỏ làm nhà của chúng, giống như loài cua ẩn sĩ hiện đại.
Nếu đúng như vậy, thì có vẻ như giun dương vật đã phát minh ra lối sống “ẩn sĩ” hàng trăm triệu năm trước khi nó trở nên nổi tiếng.
Đồng tác giả nghiên cứu Martin Smith, phó giáo sư cổ sinh vật học tại Đại học Durham, Anh, nói với tờ Live Science: “Lời giải thích duy nhất có lý là những chiếc vỏ này là nhà của chúng – một điều thực sự gây ngạc nhiên”.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra bốn hóa thạch giun dương vật ẩn sĩ trong bộ sưu tập trầm tích hóa thạch Quan San ở miền nam Trung Quốc. Những trầm tích hóa thạch có niên đại đầu kỷ Cambri này nổi tiếng vì không chỉ bảo tồn các cấu trúc cứng như răng và vỏ, mà còn bảo tồn mô mềm – như cơ thể của Priapulida.
Trong mỗi chiếc vỏ, phần đuôi của con giun nằm gọn trong đáy của hình nón, trong khi phần đầu và miệng lủng lẳng ra bên ngoài. Theo các nhà nghiên cứu, khu vực hóa thạch chứa hàng chục lớp vỏ rỗng khác, nhưng không có Priapulida một mình nào khác, cho thấy mối liên hệ giữa hai loài này không phải là một sự tình cờ đơn thuần. Hơn nữa, mỗi con giun vừa khít trong vỏ bọc của nó, cho thấy các sinh vật đã chọn vỏ của chúng để bảo vệ vĩnh viễn khỏi những kẻ săn mồi kỷ Cambri, thay vì làm nơi ẩn náu tạm thời.
Theo các nhà nghiên cứu, kiểu hành vi “tự sát” này chưa từng thấy ở Priapulida, cũng như ở bất kỳ loài nào trước Đại Trung sinh (Mesozoi – 250 triệu đến 65 triệu năm trước). Đối với phó giáo sư Smith, thật “kinh ngạc” khi hành vi phức tạp này có thể xuất hiện ngay sau đợt bùng nổ đa dạng sinh học vĩ đại được gọi là bùng nổ kỷ Cambri hơn 500 triệu năm trước. Trong thế giới khắc nghiệt của đại dương sơ khai, dường như ngay cả những con giun dương vật đáng sợ cũng phải sáng tạo.