Theo báo cáo công bố ngày 8/11, 65 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới sẽ ghi nhận mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm trung bình 20% vào năm 2050 và giảm 64% vào năm 2100 nếu mức tăng nhiệt của Trái Đất lên tới 2,9 độ C.
Báo cáo trên do tổ chức phi chính phủ Christian Aid (Anh) thực hiện và được công bố tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh).
Theo báo cáo, ngay cả khi mức tăng nhiệt trên Trái Đất được hạn chế ở mức 1,5 độ C theo như mục tiêu tham vọng nhất đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thì tăng trưởng GDP của các nước này vẫn giảm 12% vào năm 2050 và giảm 33% vào cuối thế kỷ này. Đến nay, nhiệt độ bề mặt của Trái Đất đã tăng 1,1 độ C so với mức vào cuối thế kỷ 19.
Báo cáo của Christian Aid cũng cho thấy hơn 1/3 các nước trên thế giới cần được gấp rút hỗ trợ xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu nếu nền kinh tế các nước này phải đương đầu với các đợt nắng nóng, hạn hán, bão lũ vốn ngày càng trở nên khốc liệt hơn và gây chết nhiều người hơn do sự ấm lên của Trái Đất.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Marina Andrijevic của Đại học Humboldt ở Berlin (Đức) nói: “Khả năng phát triển bền vững của các nước thuộc khu vực phía Nam bán cầu bị tổn hại nghiêm trọng. Những lựa chọn chính sách mà chúng ta đưa ra hiện đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn gây thiệt hại hơn nữa”.
Trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhất có 8 quốc gia ở châu Phi, trong đó có 2 nước ở Nam Mỹ. Toàn bộ 10 nước này có nguy cơ GDP giảm hơn 70% vào năm 2100 và giảm 40% ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu được kiềm chế ở mức nhiệt 1,5 độ C. Sudan là quốc gia có nguy cơ giảm GDP nhiều nhất với dự báo giảm 32% GDP vào năm 2050 và 84% vào năm 2100 so với mức nếu không xảy ra biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, các đảo quốc nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương trong bối cảnh số cơn bão gia tăng do mực nước biển dâng. Báo cáo trên không đề cập tới các biện pháp ứng phó, có thể giảm bớt những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Cho đến nay, các nước giàu cam kết hỗ trợ tài chính ở mức khiêm tốn nhất nhằm giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Mohamed Adow, Giám đốc tổ chức tư vấn năng lượng Power Shift Africa có trụ sở tại Nairobi (Kenya), nhấn mạnh điều phi lý là châu Phi, khu vực đóng góp ít nhất vào biến đổi khí hậu lại là khu vực chịu hậu quả nghiêm trọng nhất của tình trạng này.