Nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt, cần sớm loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, cùng với đó, có các giải pháp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện Việt Nam.
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 vừa diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050”.
Đây là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới thực hiện Net Zero vào năm 2050. Nhiều chuyên gia cho rằng, để hiện thực hóa điều này, trước mặt, cần sớm loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, cùng với đó, có các giải pháp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện Việt Nam.
Loại bỏ dự án điện than
Theo thông tin từ nhóm tư vấn Năng lượng điện và Khí đốt thiên nhiên – McKinsey & Company, Chính phủ Việt Nam đã tích cực nâng công suất phát điện với cam kết khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương cũng đã công bố dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch đặt ra các mục tiêu cao hơn về công suất năng lượng tái tạo, đồng thời chỉ đề cập đến các nhà máy điện than đã và đang xây dựng; không có quy hoạch phát triển nhà máy điện than mới.
Đây là một nỗ lực không hề nhỏ với một quốc gia sử dụng than đá làm nguồn năng lượng phát điện chủ yếu và cơ bản đã khai thác hết nguồn thủy điện, trong khi nhu cầu năng lượng vẫn đang tăng với tốc độ gần 10%/năm, nhận định của McKinsey & Company cho hay.
Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero, Việt Nam cần dừng triển khai các dự án than mới, cũng như đưa ra lộ trình tiến tới loại bỏ các dự án điện than hiện tại.
Bởi hiện nay, với xu hướng toàn cầu chuyển dịch năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch, phát triển điện than đang khép lại và các dự án điện than mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động tài chính.
Điều này cũng được thể hiện rõ tại báo cáo vừa công bố của Tập đoàn Wartsila (Phần Lan). Theo Wartsila, hiện Việt Nam đã có khoảng 21,3 GW công suất điện than tới cuối năm 2020, đóng góp 50% tổng sản lượng điện.
Con số này còn được tăng lên 40,9 GW vào năm 2030 và lên tới 50,9 GW vào năm 2035 trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây được Bộ Công Thương xây dựng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nhiều dự án nhiệt điện than miền Bắc chậm triển khai (tỉ lệ đạt 33,9% quy hoạch); trong đó có 10 dự án với tổng công suất 11.740 MW dừng triển khai hoặc không khả thi, gây ảnh hưởng cân đối cung cầu nguồn. Wartsila nhận định, Việt Nam sẽ không nằm ngoài những tác động về cơ chế tài chính cho điện than.
Đặc biệt, với 15,8 GW công suất nguồn điện ước tính chưa thu xếp được tài chính ở Dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ là thách thức không nhỏ khi Việt Nam đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải carbon ròng về bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 do đã có hơn 100 tổ chức tài chính thông báo rút khỏi các dự án khai thác than và nhà máy điện than để thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon.
Nâng tỷ trọng “điện sạch” vào hệ thống
Để tiến tới mục tiêu Net Zero, theo GWEC, nhu cầu về điện có thể được đáp ứng bởi các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, cũng như thủy điện, pin tích trữ và các công nghệ khác. Đây cũng là hướng đi Việt Nam có thể hướng tới.
Ngoài ra, điện gió ngoài khơi hoàn toàn có thể được sử dụng cho việc phát triển nguồn tài nguyên điện tiết kiệm và đáng tin cậy trong những năm tới. Hiện nguồn điện này chưa được triển khai tại Việt Nam.
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch, Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu cho biết, chi phí điện gió đã giảm mạnh trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục trở nên cạnh tranh hơn khi cơ chế đấu thầu được triển khai. Sau giai đoạn khởi tạo ngành (4-5 GW đầu tiên), điện gió ngoài khơi hoàn toàn có thể cạnh tranh về chi phí với điện than và khí.
Hơn nữa, việc phát triển năng lượng tái tạo đang nhận được sự hậu thuẫn rất mạnh mẽ từ ngành tài chính toàn cầu, thông qua trái phiếu xanh, tài chính xanh, cũng như các cơ chế khác. Các tổ chức tài chính toàn cầu sẵn sàng đầu tư nhiều tỷ USD vào phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong Quy hoạch Điện VIII sắp tới, Việt Nam nên xem xét đưa mức năng lượng gió tham vọng cao hơn, khoảng 10 GW để từ đó, biến điện gió ngoài khơi trở thành trụ cột trong hệ thống điện tương lai.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050, sẽ có nhiều mục tiêu liên quan cần điều chỉnh tổng thể.
Giám đốc phát triển thị trường và chiến lược cho khu vực châu Á và Trung Đông của Tập đoàn Warsila – Malin Ostman cho rằng: “Các nước với các dự án điện than đã được quy hoạch nên nghiên cứu những phương án khác để đảm bảo an ninh năng lượng.
Để hướng tới lộ trình phát thải bằng 0 thì năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió và nguồn điện khí có thể trở thành một nguồn điện với chi phí hợp lý và độ tin cậy cao khi có đủ sự linh hoạt trong hệ thống điện”.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch có 4 điểm chính.
Đó là, nhanh chóng mở rộng quy mô của điện sạch; loại bỏ điện than vào thập niên 2030 đối với các nền kinh tế lớn và vào thập niên 2040 trên toàn cầu; ngừng cấp giấy phép mới, xây dựng mới và hỗ trợ mới hay trực tiếp từ Chính phủ cho các dự án điện than; tăng cường nỗ lực trong nước và quốc tế để đảm bảo khuôn khổ mạnh mẽ để thực hiện quá trình chuyển dịch công bằng.
“Do đó, trước tiên phải điều chỉnh Dự thảo Quy hoạch điện VIII đi theo hướng cam kết này. Đồng thời, chú trọng tới cơ chế tạo điều kiện thu hút nguồn vốn từ Quỹ khí hậu Xanh để hỗ trợ nguồn vốn cho thực hiện Net Zero ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chiến lược hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng cũng sẽ nâng cấp mục tiêu theo Net Zero, đẩy sớm hơn thị trường carbon và các cơ chế chính sách về tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn…”, bà Khanh nói.
Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định và mở rộng phạm vi cam kết tăng công suất năng lượng tái tạo để không chỉ dừng lại ở việc lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời, hiện vẫn giữ vai trò chủ đạo. Giai đoạn mở rộng năng lượng tiếp theo của Việt Nam sẽ đòi hỏi các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và kỹ thuật phức tạp hơn, đối với cả năng lượng mặt trời và điện gió trên bờ – nhưng đặc biệt là điện gió ngoài khơi… Việt Nam có thể hướng tới Net Zero nhờ cam kết mạnh mẽ, cùng những giải pháp đồng bộ, lộ trình rõ ràng để thực hiện…/.