11 năm kể từ vụ bắt giữ tê tê đầu tiên được báo cáo vào năm 2010, Nigeria đã chứng kiến sự bùng nổ trên thị trường chợ đen đối với loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất thế giới, trở thành trung tâm châu Phi trong việc xuất khẩu các sản phẩm tê tê sang Đông Á.
Nhóm các nhà bảo tồn do Đại học Cambridge dẫn đầu đã thực hiện nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ các vụ bắt giữ sản phẩm tê tê liên quan đến Nigeria nhằm đánh giá quy mô hoạt động buôn bán bất hợp pháp này. Kết quả cho thấy chỉ xét riêng những chuyến hàng bị nhà chức trách chặn lại và báo cáo trong khoảng thời gian từ năm 2010 – 9/2021 đã lên tới 190.407 kg vảy tê tê được lấy từ ít nhất 799.343 cá thể, nhưng nhiều khả năng con số tê tê bị chết lên đến gần một triệu cá thể. Dữ liệu này gần với ước tính về toàn bộ hoạt động buôn bán tê tê trên phạm vi toàn cầu kể từ năm 2000, minh chứng mức độ buôn lậu lớn hơn nhiều so với dự tính trước đây.
Một số vụ bắt giữ xảy ra ở các cảng như Hồng Kông sau khi rời khỏi các bờ biển châu Phi. Các nhà nghiên cứu đã lần theo dấu vết hàng hóa từ các nước như Cameroon và Gabon được chuyển đến các quốc gia châu Á bao gồm Trung Quốc và Campuchia, đôi khi đi qua Pháp và Hà Lan. Tất cả đều được chuyển qua Nigeria.
Trong số 77 vụ bắt giữ được phân tích trong nghiên cứu mới, 26 vụ bắt giữ được phát hiện cùng với hàng nghìn kg ngà voi. Điều này cho thấy các mạng lưới buôn lậu tê tê có tổ chức đang cõng theo các đường dây buôn lậu ngà voi lâu đời.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo bất chấp những nỗ lực gần đây, việc thực thi pháp luật ở Nigeria còn lỏng lẻo và nạn tham nhũng vẫn hoành hành. Tổng số vụ truy tố buôn bán tê tê ở Nigeria chỉ dừng ở con số 4 và tất cả đều diễn ra trong năm ngoái. Do đó, nhiều khả năng các lô hàng bị bắt giữ chỉ chiếm phần nhỏ sản phẩm tê tê được chuyển qua Nigeria. Ước tính các vụ bắt giữ động vật hoang dã được phát hiện chỉ chiếm từ 30% đến 2% tổng số vụ buôn bán bất hợp pháp.
“Các số liệu trong nghiên cứu cho thấy có sự đánh giá thấp về quy mô buôn lậu tê tê ở Nigeria nói riêng, châu Phi nói chung và điều này có thể khiến việc xây dựng, ban hành các chính sách chống buôn bán bất hợp pháp không phù hợp”, trưởng nhóm nghiên cứu Charles Emogor từ Khoa Động vật học, Đại học Cambridge cho biết.
Cũng như niềm tin sai lầm vào khả năng chữa bệnh của vảy tê tê, việc ăn thịt tê tê được coi là một biểu tượng địa vị ở các khu vực châu Á. Xác tê tê bị buôn bán bất hợp pháp tại khắp các chợ ở Trung Quốc và một số nghiên cứu ngờ rằng việc bán thịt loài động vật này nhiều khả năng có nguồn gốc từ đại dịch COVID-19.
Tất cả tám loài tê tê – bốn loài châu Phi, bốn loài châu Á – đều được xếp vào danh sách bị đe dọa, với ba loài hiện cực kỳ nguy cấp. Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu ngẫu nhiên hàng chục bao tải bị hải quan thu giữ và ước tính khoảng 90% quy mô liên quan đến thương mại liên kết với Nigeria là từ tê tê bụng trắng (tê tê cây). Mặc dù được các cơ quan bảo tồn châu Phi xếp vào loại dễ bị tổn thương nhưng loài tê tê này vẫn bị săn bắt và bày bán công khai ở các chợ địa phương. Các nhà nghiên cứu lo ngại nạn buôn lậu quốc tế đang đẩy hoạt động giết thịt tê tê châu Phi lên một tầm nguy hiểm mới.
Tuy Nigeria đã ký nhiều thỏa thuận cấm săn bắt và buôn bán tê tê nhưng nước này vẫn liên quan đến nhiều vụ buôn lậu được báo cáo hơn bất kỳ quốc gia châu Phi nào khác.
Emogor thuộc WCS và các đồng nghiệp đã tìm hiểu hồ sơ của một số cơ quan trong nước và quốc tế cũng như thực hiện các cuộc phỏng vấn các quan chức tình báo và hải quan Nigeria đang nỗ lực kiềm chế nạn buôn bán động vật hoang dã. Kết quả cho thấy khối lượng trung bình các vụ thu giữ liên quan đến Nigeria tăng đều từ năm 2010 trước khi tăng mạnh vào khoảng năm 2017, khi Nigeria đảm bảo vị trí của mình như là hạt nhân của hoạt động buôn bán tê tê ở châu Phi dù ban đầu, nước này chỉ hoạt động như một kênh dẫn đường. Cho tới năm 2019, hầu hết các lô hàng đều có nguồn gốc từ Nigeria.
Các sản phẩm tê tê bị buôn bán qua đường bộ và đường hàng không nhưng phần lớn (khoảng 65%) được vận chuyển bằng đường biển, với nạn buôn lậu hàng hải gia tăng trong những năm qua. Một số vụ thu giữ đã xảy ra tại các nhà kho không xác định được phương thức vận chuyển và điểm đến nhưng tất cả có thể sẽ được chuyển đến châu Á.
Đáng chú ý là 2 lô hàng được phát hiện trong năm nay có móng tê tê bị tách ra khỏi vảy – dấu hiệu cho thấy những kẻ buôn lậu đang phục vụ các nhu cầu thay đổi, chẳng hạn cung cấp các loại bùa hộ mệnh được làm từ móng tê tê ở Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật và đào tạo bắt buộc cho các quan chức hải quan Nigeria về việc phát hiện các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp, đặc biệt là tại các cảng biển dựa trên tài liệu thu giữ của Nigeria và các quốc gia lân cận.
“Chúng tôi muốn thấy sự chú trọng nhiều hơn vào việc truy tố những kẻ buôn lậu bị bắt giữ như một biện pháp răn đe bởi phần lớn các vụ việc hiện nay đều được giải quyết ngoài tòa án”, Emogor nhấn mạnh.
Ý Nhi (Theo Mongabay)