Một loạt quốc gia và thành phố có nguy cơ “biến mất” trong vài thập kỷ tới, theo cảnh báo của chuyên gia môi trường.
Các quốc đảo đang bị đe dọa nhiều hơn bởi biến đổi khí hậu, vì trong điều kiện hiện tại, một cơn sóng thần đủ để phá hủy các đảo Kiribati, Tuvalu và quần đảo Marshall. Tuyên bố này được điều phối viên mạng lưới toàn cầu các tổ chức phi chính phủ về môi trường Climate Action Network ở Kiribati, bà Peleniza Alofa đưa ra.
“Đây không phải là một sự kiện hay thảm họa xảy ra một lần, mà sự gia tăng mực nước biển có nguy cơ nhấn chìm hoàn toàn nhà cửa của chúng tôi. Là một người sống ở quần đảo Kiribati, những mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu hiện là một phần hiển hiện trong cuộc sống của chúng tôi” – tờ Daily Express dẫn lời bà Alofa cho hay.
Tờ báo nói rõ rằng những tuyên bố như vậy của cư dân Kiribati và các đảo khác ở Thái Bình Dương không phải là mới. Tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đây, chẳng hạn vào năm 2017, trước thềm COP23, một nhà hoạt động sinh thái ở Kiribati, Erietera Aram, đã nói về mức độ dễ bị tổn thương của cư dân trên đảo.
“Nhà của tôi rất nhỏ. Nếu bạn đứng ở giữa, bạn sẽ thấy nước ở hai bên. Chúng tôi dễ bị tổn thương. Một cơn sóng thần, chỉ một cơn sóng thần – và cả đất nước của chúng tôi sẽ biến mất” – Aram nói, đồng thời lưu ý đến sự gia tăng của dòng người di cư khỏi hòn đảo.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng cả ông và người dân của nước ông đều không muốn trở thành những người di cư vì khí hậu.
“Chúng tôi không muốn rời khỏi đất nước của mình. Chúng tôi yêu mảnh đất của mình, và cuộc sống nơi chôn rau cắt rốn có ý nghĩa khác hẳn cuộc sống ở những nơi khác. Chúng tôi không muốn trở thành những người di cư vì khí hậu, nhưng nếu không có thay đổi, đất nước của chúng tôi sẽ biến mất trong biển cả” – Thủ tướng Morrison nói.
Tờ India Times ngày 6.11 trích dẫn dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu khí hậu Climate Central cho hay, 6 thành phố trên thế giới có thể chìm dưới nước vào năm 2030.
Một trong những thành phố này có thể là Amsterdam. Bất chấp mọi biện pháp để chống lũ lụt, thành phố này đang đứng đầu về hiện tượng nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao.
Ngoài ra, thành phố Basra của Iraq, nằm trong Vịnh Ba Tư, có thể chìm dưới nước. Basra nằm trong một khu vực đầm lầy, điều này gây ra nguy cơ ngập lụt.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng đến New Orleans của Mỹ. New Orleans có một hệ thống đập, nhưng chính quyền thành phố vẫn sẽ phải nỗ lực để giữ thành phố không bị chìm dưới nước trong 10 năm tới.
Ngoài ra, Venice của Italia đang bị đe dọa, chìm dưới nước 2mm mỗi năm. Ngoài ra, do mực nước dâng cao, một phần Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam có thể bị chìm dưới nước. Thành phố Kolkata của Ấn Độ cũng đang bị đe dọa bởi lũ lụt.
Tác động của con người đối với môi trường được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Anh. Hội nghị của Liên Hợp Quốc kéo dài hai tuần có sự tham dự của các đại biểu từ khoảng 200 quốc gia. Họ đang cố gắng thống nhất những hành động cụ thể và hợp tác để cứu hành tinh.
Cho đến nay, một số cam kết chính đã được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh, bao gồm quan hệ đối tác giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) nhằm giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu. Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã đồng ý dừng và khắc phục nạn phá rừng vào năm 2030 nhằm bảo tồn thảm thực vật trên Trái đất và tăng tốc độ hấp thụ CO2 từ khí quyển. Khí mê-tan và CO2 từ các hoạt động của con người góp phần làm Trái đất nóng lên.
Trái đất nóng lên đang dẫn đến sự tan chảy của các sông băng và chỏm băng ở hai cực, là một trong những yếu tố góp phần làm mực nước biển dâng. Vì điều này, một số đảo quốc ở Thái Bình Dương có thể hoàn toàn biến mất.