ADB hy vọng sẽ cho ngừng hoạt động 50% nhà máy điện than tại Indonesia trong vòng 10-15 năm tới thông qua ETM, qua đó giúp cắt giảm 200 triệu tấn khí thải carbon dioxide (CO2).
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Indonesia đã khởi động một kế hoạch tài chính mới nhằm đẩy nhanh lộ trình ngừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện chạy than phát thải cao tại quốc gia Đông Nam Á này.
Theo các nhà phát triển, đây là kế hoạch đầu tiên thuộc loại hình này tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa và Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đã thông báo về quan hệ đối tác nhằm phát triển chương trình thí điểm Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh.
ETM sẽ huy động đóng góp từ các ngân hàng tư nhân, các nhà từ thiện, các tổ chức đa phương và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)… nhằm mua lại và tiếp đó cho các nhà máy điện chạy than sớm ngừng hoạt động.
Bộ trưởng Sri Mulyani cho biết ETM sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng của Indonesia và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch “một cách công bằng và hợp túi tiền”.
ADB đã hoàn tất nghiên cứu tiền khả thi về ETM và hiện đang tiến hành nghiên cứu khả thi nhằm hoàn thiện cơ cấu tài chính của chương trình và xác định danh sách các nhà máy điện chạy than được cho ngừng hoạt động trong vòng 2-3 năm tới.
ETM dự kiến dành cho Indonesia, Philippines và có thể cả Việt Nam. ADB hy vọng sẽ cho ngừng hoạt động 50% nhà máy điện than tại quốc gia Đông Nam Á này trong vòng 10-15 năm tới thông qua ETM, qua đó giúp cắt giảm 200 triệu tấn khí thải carbon dioxide (CO2).
Trong một thông cáo, ADB cho hay Bộ Tài chính Nhật Bản đã cam kết tài trợ 25 triệu USD cho ETM – khoản tài trợ hạt giống đầu tiên của chương trình. Ông Asakawa cho biết Indonesia và Philippines có tiềm năng trở thành những nước tiên phong trong việc loại bỏ than đá khỏi hỗn hợp năng lượng.
Lễ khởi động chương trình này diễn ra chỉ một ngày sau khi ADB và tổng công ty điện lực PLN của Indonesia ký biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thực hiện một nghiên cứu khả thi đầy đủ về các khía cạnh kỹ thuật và tài chính của ETM.
Tính đến tháng Tư năm nay, PLN đang vận hành các nhà máy than với tổng công suất 32.924 MW, chiếm 45% công suất phát điện toàn hệ thống. Số liệu của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (EMR) cho thấy hiện có nhiều nhà máy điện than đang được triển khai.
EMR ước tính rằng nhà máy điện than cuối cùng của Indonesia sẽ ngừng hoạt động vào năm 2058 và quốc gia này có thể chỉ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, muộn hơn so với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của thế giới.
Giám đốc điều hành Viện Cải cách Dịch vụ Thiết yếu (IESR) Fabby Tumiwa cho biết các nhà máy điện than có tổng công suất 18,5 GW là những ứng cử viên tiềm năng được cho “nghỉ hưu” sớm. Các nhà máy này có lượng khí thải cao và đã hoạt động hơn 13 năm.
Ông Fabby ước tính rằng ETM có thể giúp Indonesia ngừng hoạt động 5,5 GW điện than vào năm 2030, thậm chí nhiều hơn, tùy thuộc vào nguồn vốn tài trợ. Chi phí bồi thường cho việc sớm ngừng hoạt động các nhà máy điện than lên tới 700.000 – 1,6 triệu USD mỗi MW.
Ngoài ra, ông Fabby cho rằng ETM sẽ giúp giảm các nhà máy điện than trong lưới điện Java-Bali và Sumatra, từ đó tạo ra nhiều không gian hơn cho năng lượng tái tạo. Số tiền tài trợ nhằm sớm ngừng các nhà máy điện than cũng có thể được sử dụng để đầu tư vào các nhà máy năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu tài chính khí hậu Joko Tri Haryanto thuộc Cơ quan Chính sách Tài chính (BKF) thuộc Bộ Tài chính Indonesia khẳng định rằng các nhà máy điện than trong ETM – dù thuộc sở hữu của PLN hay của các nhà phát triển tư nhân – cũng sẽ được đưa vào kế hoạch giới hạn và thương mại hóa carbon của Chính phủ.
Trước đó hôm 2/11, Chính phủ Indonesia đã ban hành nghị định về định giá carbon, đặt nền tảng cho kế hoạch giới hạn và thương mại hóa carbon nhằm ngăn chặn việc sử dụng các công nghệ phát thải cao.
Theo ông Joko, Indonesia đang xem xét một số tổ chức – trong đó có Quỹ Bất động sản Môi trường Indonesia (BPDLH) và Cơ quan Đầu tư Indonesia (INA) – nhằm quản lý các nguồn quỹ của ETM.