COP26 hứa những gì?

Hội nghị khí hậu đã đi được một nửa chặng đường và dưới đây là một số cam kết được đưa ra trong tuần đầu tiên.

Đẩy lùi nạn phá rừng

Hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu cam kết ngăn chặn, đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào cuối thập kỷ kèm theo lời hứa được củng cố bởi 19 tỷ USD quỹ công tư nhằm bảo vệ, phục hồi rừng. Tuyên bố nhận được sự ủng hộ của 127 nhà lãnh đạo bao gồm Brazil, Cộng hòa Dân chủ Congo và Indonesia, những quốc gia chiếm 85% diện tích rừng thế giới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Indonesia về sau đã bác bỏ kế hoạch này vì cho rằng hàm ý phá rừng rất khác nhau và việc áp đặt các tiêu chuẩn châu Âu lên Indonesia là “không phù hợp và không công bằng”. Theo Viện Tài nguyên Thế giới, rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải carbon dioxide nhưng tình trạng suy thoái và mất rừng ngày càng trầm trọng do gia tăng cháy rừng dưới tác động của biến đổi khí hậu, chưa kể nạn khai thác gỗ lậu diễn ra khắp nơi trên thế giới.

Quang cảnh nạn phá rừng trên đảo Sumatra của Indonesia ngày 5/8/2010 (Ảnh: REUTERS / Beawiharta / File Photo)

Cắt giảm khí thải metan

Khoảng 100 quốc gia ký cam kết cắt giảm khí metan toàn cầu – sáng kiến do Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu khởi xướng – nhằm giảm thiểu 30% lượng khí metan làm trái đất nóng lên vào năm 2030 so với 2020. Metan tồn đọng trong khí quyển ngắn hơn carbon dioxide nhưng có khả năng làm nóng trái đất gấp khoảng 80 lần, do đó, việc cắt giảm nhanh loại khí nguy hại này từ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và nông nghiệp có thể mang lại tác động lớn trong thời gian ngắn. Đáng buồn là các nước phát thải metan nhiều như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ chưa tham gia cuộc chơi, thậm chí Australia còn từ chối tham gia.

Phát thải ròng bằng 0

COP26 hướng đến hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm ngăn những tác động bất lợi nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thế giới đang đi chệch hướng khi đang đưa đưa trái đất vào tình trạng tăng 2,7 độ C trong thế kỷ này – theo cảnh báo từ báo cáo do Liên hợp quốc mới công bố. Các nhà khoa học kêu gọi thế giới cần giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm ngăn những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu.

Tài chính

Trong nhiều năm, tài chính luôn là chủ đề nóng tại các cuộc đàm phán khí hậu, nhất là khi các quốc gia giàu có không thực hiện cam kết huy động100 tỷ đô mỗi năm trong giai đoạn từ 2020 – 2025 để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Cam kết bắt nguồn từ sự thừa nhận rằng các quốc gia phát triển góp phần lớn lượng khí thải vào bầu khí quyền nên phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc đảo ngược tình thế. Chủ tịch COP Alok Sharma mới đây an ủi mục tiêu này có thể đạt được vào năm 2023 tức chậm 3 năm so với hứa hẹn trong khi đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry dự tính mục tiêu cung ứng tài chính có thể khả thi sớm hơn, vào năm 2022.

Doanh nghiệp cam kết phát thải ròng bằng 0

Các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư cam kết đầu tư 130 nghìn tỷ đô la dưới hình thức đầu tư xanh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại COP26. Con số này về lý thuyết là quá đủ để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn nhưng điều quan trọng là bao nhiêu sẽ được chuyển thành hành động giảm phát thải thực tế. Các cơ quan quản lý đang thiết lập tiêu chuẩn thống nhất để tránh các hành vi tẩy xanh dưới vỏ bọc thân thiện môi trường.

Từ bỏ than

Các nước sử dụng than lớn như Indonesia, Ba Lan, Việt Nam và các quốc gia khác đã cam kết loại bỏ dần việc sử dụng nhiệt điện than và ngừng xây dựng các nhà máy tiêu thụ loại nhiên liệu này. Cam kết được củng cố bởi các cam kết từ 20 chính phủ về việc ngừng cấp vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối 2022. Tiếc là con số 20 này chưa bao gồm một số quốc gia phụ thuộc vào than nhiều nhất bao gồm Úc, Trung Quốc và Ấn Độ.

Thùy Dung (Theo Reuters)

Nguồn: