Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 953.547 ca nhiễm Covid-19, hiện còn 3.093 bệnh nhân nặng, dịch phức tạp tại nhiều địa phương.
10 tỉnh, thành nào có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp nhất cả nước?Dịch tái bùng phát, Bắc Giang tạm dừng nhiều hoạt động từ 0h ngày maiNovavax hoàn tất quy trình xin cấp phép, hứa hẹn giải quyết khan hiếm nguồn cung vaccine Covid-19.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 953.547 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.680 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay)
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 948.646 ca, trong đó có 834.530 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.
Tính từ 16h ngày 4/11 đến 16h ngày 5/11, Việt Nam ghi nhận 7.504 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 7.487 ca ghi nhận trong nước (tăng 911 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 3.207 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 6.027 ca/ngày.
Tình hình điều trị
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 5/11: 1.941, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 837.347. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.093 ca,
Từ 17h30 ngày 4/11 đến 17h30 ngày 5/11 ghi nhận 70 ca tử vong; trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 64 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.412 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
Ưu tiên bố trí vaccine để Hà Nội tiêm cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 299/TB-VPCP ngày 5/11/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội cần quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để “thích ứng an toàn, linh hoạt” với tình hình mới.
Thành phố đồng thời phải lưu ý thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ bắt buộc đi cùng là “kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, chủ động trao đổi, nghiên cứu, rút kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh của các địa phương khác để:
1/ Kịp thời chỉ đạo, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các lực lượng phòng chống dịch của Thành phố, trong đó có cả các lực lượng tình nguyện viên;
2/ Chủ động tính nhu cầu, lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các kịch bản dịch bệnh có thể xảy ra;
3/ Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đến từ các địa phương có cấp độ dịch cao, ngấm sâu trong cộng đồng;
4/ Tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các giải pháp y tế căn bản, phù hợp với tình hình và các địa bàn cụ thể như: Ngăn chặn, phát hiện (xét nghiệm), cách ly, điều trị…
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cân đối nguồn cung vaccine trong tháng 11, 12/2021 ưu tiên bố trí để Hà Nội tiêm cho toàn bộ nhân dân Thủ đô từ 18 tuổi trở lên (có tính đến người đến từ địa phương khác nhưng đang sống, học tập và làm việc tại thành phố);
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị của Hà Nội về việc hướng dẫn xét nghiệm người từ các khu vực dịch đã nhiễm sâu, tiêu chí đánh giá cấp độ dịch đối với các đô thị lớn, mật độ dân số cao để có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; khẩn trương công bố các phác đồ điều trị Covid-19 để địa phương có cơ sở quyết định việc chuẩn bị sẵn vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch.
Hà Nội khẩn tìm người đến công ty và nhà hàng liên quan F0
Tối 5/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phát thông báo tìm người đến các điểm:
– Công ty TNHH Shopee Express tại địa điểm Kho chính: Lô 17-19-20 và Kho phụ: C1 C2 – 386 Nguyễn Văn Linh, Khu công nghiệp Đài Tư, Long Biên từ ngày 20/10.
– Nhà hàng Vườn Xoài, địa chỉ: 125 Hoàng Ngân, Trung Hòa, Cầu Giấy khoảng 17h ngày 3/11.
Người đến địa điểm trên thực hiện tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2), 0969.082.115, 0949.396.115 để được hướng dẫn và tư vấn.
Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 4.825 ca trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.862 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 2.963 ca.
Ổ dịch mới ở Hà Nam phát hiện gần 100 trường hợp F0, F1
Tối 5/11, CDC tỉnh Hà Nam công bố thêm 13 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 5 ca F0 được ghi nhận tại ổ dịch mới thuộc Tổ 7, thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, TP Phủ Lý.
Kể từ khi xuất hiện ca F0 vào ngày 2/11, tính đến ngày 5/11, thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, TP Phủ Lý đã ghi nhận 26 ca mắc Covid-19. Hiện, chính quyền địa phương đã thiết lập các chốt phong tỏa kiểm soát toàn bộ các đường ra vào khu dân cư, lập trạm y tế cơ động để theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ của người dân trong khu phong tỏa, đặc biệt đối với các trường hợp F1 đang cách ly y tế tại nhà.
Kể từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9 đến tối 5/11, tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.045 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.
Để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát lây lan trong cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Phủ Lý đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng; phối hợp với các tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền nhân dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Bắc Giang thêm 23 ca cộng đồng
Tối 5/11, Sở Y tế Bắc Giang cho biết, trong ngày trên địa bàn phát sinh thêm 43 F0; trong đó 23 ca phát hiện ngoài cộng đồng; 20 ca phát hiện trong các khu cách ly và phân theo các chùm ca bệnh, ổ dịch.
Lũy kế từ ngày 26/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 225 ca F0. Hiện còn 38 F0 đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, 179 F0 điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2.
UBND tỉnh Bắc Giang nhận định, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đã tái phát trở lại và đang diễn biến phức tạp; nguyên nhân do sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, không quản lý chặt chẽ người từ vùng dịch trở về địa phương, không thực hiện nghiêm việc xét nghiệm tầm soát trong doanh nghiệp, ngoài cộng đồng nên đã phát sinh nhiều ca F0 trong cộng đồng.
Thanh Hóa vận hành thêm 1 khu điều trị bệnh nhân
Trước tình hình dịch Covid-19 tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang diễn biến phức tạp, số ca mắc không ngừng tăng lên, hiện đã có 55 bệnh nhân dương tính, chính quyền thị xã đã đưa vào vận hành thêm 1 khu điều trị bệnh nhân.
Trong khi Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn đang phong tỏa để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, để đáp ứng công tác thu dung, điều trị bệnh nhân trong bối cảnh số ca dương tính tăng nhanh, ngày 5/11 thị xã Nghi Sơn đã vận hành thêm 1 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tại phường Hải Hòa với quy mô thu dung, điều trị 42 bệnh nhân.
Trước đó, thị xã cũng đã thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại xã Hải Nhân đã thu dung, điều trị 51 bệnh nhân, là công dân trở về từ tỉnh ngoài và các bệnh nhân của chùm ca bệnh cộng đồng tại địa phương. Các bệnh nhân đa phần không có triệu chứng, một số bệnh nhân có triệu chứng thông thường là: rát họng, ho.
Liên quan tới những ca dương tính mới trong ngày, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngày 5/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 44 bệnh nhân mắc Covid-19 mới; trong đó có 17 bệnh nhân lây nhiễm trong tỉnh, những bệnh nhân còn lại là công dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 1.252 ca mắc Covid-19 cộng dồn; 760 người điều trị khỏi, được ra viện; 7 bệnh nhân tử vong. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai tiêm được 1.340.102 liều vaccine phòng Covid-19.