Nằm phía Tây của tỉnh Nghệ An, nhiều năm qua Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt huyện miền núi Quế Phong nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học còn là “bà đỡ” trong sinh kế của đồng bào ở vùng đệm, phát triển, xóa đói giảm nghèo từ rừng.
Giữ “rừng xanh” nơi đại ngàn
Để gìn giữ và phát huy những giá trị về thiên nhiên của trên 90.000 ha đất rừng Pù Hoạt, đầu năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định về việc chuyển đổi Ban Quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt.
Khu BTTN Pù Hoạt đóng ở huyện Quế Phong trên sườn Bắc của dãy Trường Sơn về phía Tây Bắc của tỉnh, có độ cao từ 200m đến 2.450m. Đây thực sự là một “kho tàng” về đa dạng sinh học, lưu giữ các nguồn gen của nhiều loài sinh vật quý hiếm và đặc hữu như: Pơ mu, sa mu dầu, lan kim tuyến, bách xanh, voọc xám, vượn má trắng, gà lôi vằn, mang… Hệ động, thực vật ở Pù Hoạt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, giữ và cung cấp nguồn nước tưới, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường.
Với những giá trị to lớn về thiên nhiên, là tiềm năng lớn trong nghiên cứu khoa học và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái như vậy, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã được thành lập gắn với các chức năng: Bảo tồn tính đa dạng sinh học của hơn 90.741 ha rừng, đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; xây dựng và phát triển vốn rừng; tăng cường khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, giáo dục nâng cao nhận thức môi trường, thực hiện các dự án trồng rừng, sản xuất giống cây lâm nghiệp; tổ chức thực hiện dịch vụ du lịch, góp phần cùng cấp ủy và chính quyền địa phương phát triển bền vững kinh tế vùng đệm.
Sau khi thành lập Khu BTTN, ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Pù Hoạt. Đến nay, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt có 70 cán bộ, nhân viên; cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng và trang bị cơ bản đầy đủ các trang thiết bị chuyên dụng, thông tin, liên lạc, xe ô tô, dụng cụ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng…
Xác định công tác tuần tra rừng tại gốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp bảo vệ rừng có hiệu quả cao nhất, từ khi thành lập đến nay, lực lượng kiểm lâm Pù Hoạt đã tổ chức gần 3.700 đợt tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc và truy quét các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn. Bên cạnh đó đã tổ chức gần 160 đợt do Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ và kiểm lâm huyện tuần tra, kiểm tra rừng ở khu vực dọc biên giới Việt – Lào.
Qua công tác tuần tra, Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt đã phát hiện, xử lý 195 vụ việc; trong đó xử lý vi phạm hành chính 191 vụ, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự 4 vụ, tịch thu hơn 265 m3 gỗ các loại cùng nhiều tang vật, phương tiện, dụng cụ vi phạm khác như xuồng ba lá, xe máy, cưa xăng, súng kíp… xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3.754.000.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt cho biết, để công tác bảo vệ rừng đạt nhiệm vụ đề ra, ngoài sự chủ động của các lực lượng thì vai trò của người dân hết sức quan trọng và yếu tố mang tính quyết định. Vì thế, lãnh đạo đã chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và giáo dục môi trường tại các xã vùng đệm, vùng lõi. Qua đó, từng bước thay đổi hành vi và ý thức của cộng đồng dân cư đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức được các hội nghị cấp huyện, gần 300 cuộc hội nghị cấp xã, thôn bản; trên 300 cuộc tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp thôn bản của 9 xã vùng đệm, vùng lõi của Khu Bảo tồn, thu hút gần 30.000 lượt đòng bào DTTS tham dự. Cùng đó, hàng tháng cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên xuống các thôn bản, đến từng gia đình để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tạo sinh kế để người dân xóa đói giảm nghèo từ rừng
Song song nhiệm vụ bảo vệ tốt diện tích rừng và đất rừng được giao, Khu BTTN Pù Hoạt đã quan tâm, tập trung cao cho các chương trình điều tra, nghiên cứu đánh giá đa dạng sinh học tài nguyên rừng; kết nối, làm việc và phối hợp với nhiều tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế; đồng thời duy trì ổn định hệ sinh thái rừng đầu nguồn, độ che phủ của rừng. Qua đó cũng làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xóa bỏ các điểm nóng về khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép, không để xảy ra cháy rừng trên khu vực quản lý.
Giám đốc Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm, thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh công tác dân vận cơ sở để phát huy sức mạnh tổng thể nhằm xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh – quốc phòng trên địa bàn. Đặc biệt, là chủ trương phát động phong trào xây dựng “Mô hình dân vận khéo trong tình hình mới”. Năm 2018, Đảng uỷ Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã thống nhất và thông qua chương trình xây dựng mô hình dân vận khéo với tiêu đề: “Cán bộ, đảng viên BQL Khu BTTN Pù Hoạt đồng hành giúp dân phát triển kinh tế hướng tới thoát nghèo”.
“Chương trình thông qua đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Theo đó, hàng tháng mỗi đảng viên, công chức, viên chức đã tự nguyện tiết kiệm và đóng góp ít nhất 10.000 đồng/tháng để xây dựng quỹ. Ngoài ra, đơn vị đã lồng ghép, huy động các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định để xây dựng các mô hình giúp đồng bào DTTS các xã vùng đệm trên địa bàn huyện Quế Phong xây dựng các mô hình sinh kế bền vững để tăng thu nhập hướng tới thoát nghèo” – ông Sinh chia sẻ.
3 năm qua, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện uỷ Quế Phong và Đảng uỷ, UBND các xã vùng đệm gồm: Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong, Hạnh Dịch và Nậm Giải để xây dựng các mô hình sinh kế bền vững, khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương, của các hộ gia đình nghèo để xây dựng các mô hình kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ năm 2018 đến nay, hàng trăm hecta rừng trồng gỗ lớn đã được đơn vị hỗ trợ cho người dân trồng rừng trên diện tích đất được giao cho gia đình ở các xã.
Đặc biệt, năm 2020, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã giúp người dân xây dựng 3 mô hình “Cải tạo vườn tạp” để làm điểm cho các hộ gia đình khác thực hiện theo chủ trương của địa phương về cải tạo vườn tạp trên địa bàn. Đơn vị đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện uỷ vận động nhân dân bản Piềng Lâng, xã Nậm Giải cải tạo tập tục lạc hậu, xây dựng các công trình vệ sinh khoa học, phù hợp với bảo vệ môi trường. Đến nay, đã có 17 hộ gia đình hoàn thành các công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn và nhiều hộ gia đình tiếp tục đăng ký thực hiện.
“Mới đây, để tiếp tục chương trình, kế hoạch xây dựng mô hình dân vận khéo năm 2021, Ban Quản lý đã phối hợp với huyện thống nhất về việc hỗ trợ nhân dân bản Piêng Lâng xây dựng và phát triển mô hình “trồng khoai sọ” trên địa bàn với diện tích dự kiến khoảng 4 – 5 ha. Dự kiến sẽ tuyên truyền, vận động khoảng 30 – 40 hộ gia đình có đủ điều kiện đất đai, nhân lực, kinh nghiệm và nguyện vọng để tham gia thực hiện mô hình. Để đảm bảo thành công mô hình và nguồn kinh phí hỗ trợ mua giống, Ban Dân vận Huyện uỷ Quế Phong và Ban Dân vận Tỉnh uỷ Nghệ An đã hỗ trợ 15 triệu đồng; Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt hỗ trợ 15 triệu đồng; số còn lại do UBND xã Nậm Giải huy động từ các nguồn vốn và dự án hợp pháp khác”, Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt thông tin.
Có thể nói, để xác định hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để xây dựng sinh kế bền vững, giúp địa phương và nhân dân khai thác những tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình; đảm bảo nâng cao thu nhập, đời sống và giải quyết công ăn việc làm cho người dân, qua đó giảm áp lực lên tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của khu bảo tồn, từng bước thay đổi được nhận thức của người dân, xã hội hóa nghề rừng đến với nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng đồng bào DTTS.