Nghiên cứu mới trên hàng trăm con hươu đuôi trắng mắc Covid-19 ở bang Iowa, Mỹ đã phát hiện loài động vật này có thể lây virus từ con người, rồi truyền bệnh sang cá thể khác.
Có tới 80% số hươu được lấy mẫu từ tháng 4/2020 tới tháng một năm nay ở bang Iowa cho thấy kết quả nhiễm virus SARS-CoV-2, theo nghiên cứu.
Các nhà khoa học nói rằng những phát hiện này chỉ ra những tác động đáng lo ngại về sự lây lan của virus, mặc dù họ chưa thể xác định được hươu đã lây nhiễm bệnh từ người như thế nào. Chưa có bằng chứng nào cho thấy hươu lây truyền lại virus cho người, theo New York Times.
Đáng lo ngại
Các tác giả nghiên cứu và cả những chuyên gia không tham gia nghiên cứu gọi các phát hiện này là diễn biến đáng lo ngại trong quá trình của đại dịch.
Sự lây nhiễm lan rộng giữa loài thú săn phổ biến nhất ở Bắc Mỹ có thể khiến việc tiêu diệt mầm bệnh trở nên khó khăn hơn, đặc biệt nếu chúng trở thành ổ chứa cho các đột biến và cuối cùng có thể lây bệnh trở lại con người.
Nghiên cứu nói trên chưa được công bố trên một tạp chí khoa học có bình duyệt, nhưng các tác giả của nghiên cứu tại Đại học bang Pennsylvania và giới chức trách về động vật hoang dã ở Iowa nhận thấy kết quả đáng lo ngại nên họ đang cảnh báo thợ săn hươu và những người khác làm việc liên quan tới loài hươu để đề phòng tránh lây truyền.
Đầu năm nay, một cuộc khảo sát trên nhiều bang về hươu đuôi trắng của Cơ quan Giám sát Sức khỏe Động thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã phát hiện ra kháng thể với virus trong gần một nửa số hươu ở bốn tiểu bang. Tuy nhiên, nghiên cứu đó đã xác nhận những con hươu bị phơi nhiễm chứ không phải lây nhiễm.
Nghiên cứu mới – được thực hiện bằng cách kiểm tra các hạch bạch huyết của các mẫu từ hươu ven đường và những các thể bị săn bắt – cho thấy kết quả nhiễm bệnh dương tính, các nhà khoa học cho biết. Các nhà vi sinh vật học thú y đứng đầu nghiên cứu của Đại học bang Pennsylvania, Suresh Kuchipudi và Vivek Kapur, cho biết họ không dự tính về sự phát hiện lây nhiễm lan rộng như vậy.
“Virus xuất hiện một cách rõ rệt trên hươu ở tất cả vùng của bang”, tiến sĩ Kuchipudi nói. “Chúng tôi đã chết lặng (với phát hiện này).
Cần hệ thống giám sát mạnh mẽ hơn
Các nhà khoa học cho biết bằng chứng về sự lây truyền từ người đã được tìm thấy trong trình tự gene của các mẫu thu thập được trong nhiều tháng phản ánh các dòng virus lây truyền giữa người với người.
“Không có lý do gì để tin rằng điều tương tự không xảy ra ở các bang khác có hươu”, tiến sĩ Kapur nói.
Các nghiên cứu trước đây đã gợi ý về khả năng như vậy vì một số động vật khác cũng từng được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2. Những động vật này bao gồm chồn và loài linh trưởng nhiễm virus trong các thí nghiệm, trong khi một số động vật tại các sở thú lây bệnh từ người chăm sóc. Ngoài ra, những con chồn nuôi nhốt bị phát hiện mắc bệnh sau khi tiếp xúc với mầm bệnh từ công nhân nông trại.
Trong trường hợp loài chồn, virus corona đã chứng tỏ khả năng gây bệnh cho động vật lây từ con người. Hồi năm 2020, chính phủ Đan Mạch đã tiêu hủy toàn bộ đàn chồn 17 triệu con ở nước này sau khi các nhà khoa học phát hiện chúng có thể truyền lại virus cho người. Họ phát hiện loại virus này cũng có các đột biến dọc quá trình, nhưng các quan chức cho biết không có gì đặc biệt đáng lo ngại.
Nếu virus này trở thành đặc hữu ở các loài động vật hoang dã như hươu, nai, nó có thể phát triển theo thời gian để trở nên nguy hiểm hơn và sau đó lây nhiễm sang người với một dòng virus mới có khả năng kháng được các vaccine hiện tại.
Phát hiện đã được xác minh hôm 2/11 bởi các nhà khoa học liên bang tại Phòng thí nghiệm Cơ quan Thú y Quốc gia, theo một người phát ngôn.
Các nhà khoa học không thuộc nghiên cứu sau khi xem xét các phát hiện đã nói rằng họ rất bất ngờ, nhưng không quá ngạc nhiên.
“Nếu hươu có thể truyền virus sang người thì đó là một yếu tố thay đổi đại dịch”, Tony Goldberg, chuyên gia thú y tại Đại học Wisconsin-Madison, người nghiên cứu sự phát triển của các bệnh truyền nhiễm nhảy giữa động vật và người, cho biết.
“Một loài động vật hoang dã trở thành ổ truyền bệnh sau khi lây nhiễm từ con người là rất hiếm và thật khó có gì đen đủi hơn”.
Barbara Han, nhà sinh thái học về bệnh nhiễm tại Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái Cary, người chuyên nghiên cứu khả năng lan truyền của SARS-CoV-2 ở các loài động vật có vú khác nhau, cho biết những phát hiện này củng cố sự cần thiết của một hệ thống giám sát mạnh mẽ hơn có thể nhanh chóng phát hiện sự lây truyền của mầm bệnh từ động vật sang người.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phối hợp tốt hơn giữa các phòng thí nghiệm trên khắp nước Mỹ. Song bà Hà cho biết bà hy vọng những phát hiện mới nhất có thể thúc đẩy nỗ lực tạo ra một mạng lưới giám sát quốc gia do liên bang tài trợ cho bệnh lây truyền từ động vật.