Đó là thông điệp của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi đến Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Vương Quốc Anh.
Việc tham dự COP26 là cơ hội tốt để Việt Nam bày tỏ quan điểm về biến đổi khí hậu, khẳng định quyết tâm đóng góp một cách trách nhiệm vào những nỗ lực chung toàn cầu. Nhiều năm qua, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp định hướng phát triển mới của đất nước… là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh…
Tăng trưởng xanh – cơ hội và lựa chọn tất yếu
Những thập niên qua, những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ, những đột phá của cách mạng 4.0 đã đem đến nhiều cơ hội cho tăng trưởng. Xu hướng đầu tư cho các hoạt động sản xuất thông minh, xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, công nghiệp và nông nghiệp thông minh… đã và đang trở nên phổ biến.
Nhìn lại, tăng trưởng kinh tế, với sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo ra nhiều đột phá lớn nhưng chưa dẫn đến sự tiến bộ trên diện rộng. Mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu… đồng thời kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác cũng như ảnh hưởng đến cơ hội kinh tế cho các thế hệ tương lai.
Ảnh minh họa: Nguồn InternetĐể giải quyết bài toán này, xu thế tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế – xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Ở phạm vi quốc tế, Thỏa thuận Paris và các mục tiêu phát triển bền vững đặt ra những kỳ vọng chung về tính bền vững toàn cầu trong tương lai với những thay đổi mang tính hiệu quả trong các lĩnh vực.
Khái niệm tăng trưởng xanh đã được đưa ra bởi nhiều quốc gia, tổ chức. Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế – xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP) định nghĩa: Tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng chú trọng vào quá trình phát triển kinh tế bảo đảm bền vững về môi trường, thúc đẩy phát triển cacbon thấp và xã hội toàn diện.
Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng xanh của Liên hợp quốc cho rằng: Tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD: Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời bảo đảm rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài.
Việt Nam đang trên đà đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Đảng ta đã sớm xác định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 là một biến cố lớn của nhân loại, tạo ra khủng hoảng trên diện rộng, làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực. Kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, hạn chế tác động và phục hồi sau suy thoái kinh tế là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.
Đây cũng là cơ hội để các quốc gia đánh giá lại các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức cộng đồng về các mối đe dọa nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và sức khỏe cũng như tận dụng những thay đổi từ đại dịch. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết quốc tế thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Việt Nam phải vượt qua thách thức phục hồi trong và sau COVID-19, tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Quan điểm của Đại hội XIII là phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam cam kết mạnh mẽ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là phương thức để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu COVID-19 đồng thời hướng tới phát triển kinh tế xanh. “Điều này là tiền đề cụ thể hóa các mục tiêu phát thải cacbon thấp, trung hòa các-bon trong dài hạn và đóng góp vào sự hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu”, Bộ trưởng nói.
“Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Đây là minh chứng rõ nét nhất về việc Việt Nam đã quyết tâm lựa chọn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng tăng trưởng xanh làm định hướng cho tương lai đất nước, tại các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045 và những năm tiếp theo”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng khẳng định việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Anh quốc sẽ diễn ra trong những ngày tới đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hành động thiết thực và cụ thể.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Mục tiêu đến 2050, cường độ phát thải khí nhà kính giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Chiến lược đặt ra mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, bảo đảm bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.
Định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Chiến lược chỉ rõ, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên…
Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên.
Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm hiệu quả kinh tế – sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại…