Ngược lại với Bỉ, Áo, Anh và Thụy Điển thì Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia vẫn đang coi than đá là vua. Vậy nỗ lực ngừng sản xuất điện bằng than đá có sớm trở thành hiện thực?
Tại Glasgow, địa điểm diễn ra COP26, hãng sản xuất xe hơi nổi tiếng Jaguar Land Rover đã trang bị 240 chiếc SUV sang trọng chạy điện từ dầu thực vật để đưa đón hàng nghìn đại biểu đến tham dự Hội nghị. Điều này thể hiện thông điệp bảo vệ môi trường và giới thiệu công nghệ ô tô mới đầy quyến rũ.
Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu họp thường niên năm nay tại Vương quốc Anh (COP26) sẽ kết thúc vào ngày 12/11 tới, cam kết quan trọng đầu tiên đã được đưa ra khi ít nhất 19 quốc gia sẽ ngừng tài trợ cho các dự án năng lượng hóa thạch trên thế giới.
Nếu thỏa thuận này chính thức được thông qua, sẽ đặt dấu chấm hết đối với hoạt động sản xuất điện năng bằng than đá, quy mô khai thác và chế biến dầu mỏ bắt đầu bị xem xét với tư cách là nguyên nhân sâu xa gây biến đổi khí hậu.
NatWest, một trong những ngân hàng lớn nhất ở Anh, sẽ không giải quyết bất cứ khoản vay nào đối với những dự án nhiệt điện than đang vận hành hoặc các khách hàng hiện tại đang có kế hoạch tăng công suất nhà máy nhiệt điện.
Nhóm 20 nước công nghiệp phát triển (G20) đã đồng ý ngừng tài trợ cho các dự án than quốc tế vào cuối năm nay. Trung Quốc đã đưa ra một cam kết tương tự vào tháng 9 vừa qua, trong đó loại bỏ nguồn tín dụng cho nhiệt điện than lớn nhất trên hành tinh.
CNN dẫn lời đại diện Chính phủ Anh cho hay, 18 quốc gia mới – bao gồm cả những nước sử dụng than lớn như Ba Lan và Việt Nam – đã tham gia cùng hơn 40 quốc gia khác trong cam kết ngừng xây dựng các dự án than mới và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 cho các quốc gia phát triển và vào năm 2040 cho các nước đang phát triển.
Năm 2012 có tới 40% năng lượng của Anh phụ thuộc vào than đá, đến năm 2020 tỷ trọng này chỉ còn lại 2%. Đặc biệt cuối năm ngoái, Anh quốc đã trải qua 67 ngày không sử dụng than để tạo ra năng lượng.
Bỉ, Áo và Thụy Điển và nhiều quốc gia châu Âu khác không còn sử dụng than để sản xuất điện. Tổ chức nghiên cứu Môi trường E3G thống kê, kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký vào năm 2015 lượng điện than được đề xuất đã giảm 76%.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết việc chấm dứt đầu tư vào các dự án cung cấp dầu, than hoặc khí đốt là cần thiết để thế giới đạt được mức phát thải toàn cầu bằng không vào năm 2050 – điều mà các nhà khoa học cho là rất quan trọng để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C mức tiền công nghiệp.
Ngoài ngưỡng đó, sự nóng lên toàn cầu có thể gây ra những tác động thảm khốc và không thể đảo ngược. Các nhà phân tích của Bernstein ước tính các khoản đầu tư carbon thấp cần thiết vào khoảng 2-4 nghìn tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2050.
Tuy nhiên, xu hướng giảm sử dụng than phân bố không đồng đều. Các nhà máy nhiệt điện vẫn đang phát triển trên khắp châu Á, và trong khi sản lượng điện từ than đạt đỉnh về mặt kỹ thuật vào năm 2013, thì kể từ đó về cơ bản nó vẫn tiếp tục duy trì.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay, được kích hoạt bởi sự phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thậm chí còn gây ra một cú hích. Giá than tháng trước ở mức cao nhất mọi thời đại.
Ngược lại với Bỉ, Áo, Anh và Thụy Điển thì Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia vẫn coi than đá vẫn là “vua”. Đưa than vào trung tâm nghị sự CPO26 là một yêu cầu bức bách để kiềm chế biến đổi khí hậu, nhưng nó có thể không diễn ra nhanh chóng như các nhà lãnh đạo khí hậu phương Tây mong muốn. Việc khống chế mức tăng nhiệt độ trái đất 1,5 độ C và phát thải ròng về 0 không thể thành hiện thực chỉ bằng nỗ lực chính trị.
Ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch hiện nay lên tới hàng chục nghìn tỷ USD, một đế chế tài chính hùng hậu đứng sau lưng các nền kinh tế Trung Quốc, Nga, Trung Đông chưa thể tách rời năng lượng phát thải trong ngắn hạn.
Nền kinh tế Trung Quốc sử dụng than nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, tạo ra một lượng lớn hàng hóa xuất khẩu và các mặt hàng công nghiệp nặng – thép, xi măng, hóa chất – được sử dụng trên khắp thế giới.
Trung Quốc có hơn 1.200 nhà máy than lớn đang hoạt động và có kế hoạch xây dựng thêm 150 nhà máy nữa, theo Cơ quan Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM). Chỉ tính riêng trong năm 2019, Trung Quốc đã mở 102 mỏ than, dữ liệu của GEM cho thấy.
Giám đốc chương trình than đá của GEM, Christine Shearer, nói với CNN: “Quy mô của những gì Trung Quốc đã xây dựng trong hai thập kỷ qua là phi thường. Nó hiện là một nửa năng lượng than trên thế giới”.
Vai trò của Trung Quốc còn quan trọng hơn Mỹ trong chống biến đổi khí hậu. Việc Chủ tịch Trung Quốc không có mặt tại Glasgow là chỉ báo lành ít dữ nhiều với COP26!