COP26 – tên viết tắt của Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) – được tổ chức tại Glasgow, Scotland (dự kiến từ 31/10 đến 12/11) sau khi bị hoãn một năm do đại dịch COVID-19.
Nói như Chủ tịch COP26 Alok Sharma, COP26 là hy vọng cuối cùng và lớn nhất để cứu Trái đất, giữ giới hạn tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C. Tuy nhiên, tới hôm nay, cho dù Hội nghị mới đi qua được non nửa chặng đường, nhiều nhà quan sát đã đồ rằng, hy vọng ấy dường như quá mong manh.
Kỳ vọng quá lớn
CPO26 diễn ra trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan xảy ra với tần suất ngày càng nhiều tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Những cụm từ “nắng nóng kỷ lục”, “lạnh kỷ lục”, “cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử”… liên tục xuất hiện trên mặt báo, năm này qua năm khác. Trong báo cáo mới nhất từ Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), các nhà khoa học chỉ ra rằng Trái Đất đã ấm lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu không có ngay giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất có thể, nhiệt độ toàn cầu rất có thể sẽ tăng 1,5 độ C trong vài thập kỷ tới và hệ lụy lúc ấy sẽ thực sự khôn lường.
Liên tiếp các hội nghị về biến đổi khí hậu, tầm quốc gia và cả toàn cầu đã được tổ chức. Trong đó, được chú ý nhiều nhất là Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu được Liên Hợp Quốc tổ chức thường niên từ năm 1995, quy tụ đại diện của hầu hết các quốc gia trên thế giới thảo luận về những mục tiêu khí hậu cũng như tiến trình giảm phát thải. Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) đã ra tời từ năm 1992. Năm 1997, Nghị định thư Kyoto được thông qua, được xem là thỏa thuận đầu tiên trên thế giới với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, cách đây 6 năm, tháng 12/2005, Hiệp định Khí hậu Paris được ký kết và được ngợi ca là “thành tựu đáng kinh ngạc”.
Tuy nhiên, 6 năm sau “thành tựu đáng kinh ngạc” ấy, Tổ chức Khí tượng Thế giới và Cơ quan Met của Anh cho hay 6 năm qua cũng là 6 năm nóng nhất từng ghi nhận trong lịch sử thế giới.
Cách đây một năm, kỷ niệm 5 năm ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước ban bố tình trạng “khẩn cấp về khí hậu”, nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả “thảm khốc”.
Giáo hoàng Francis, trong một tuyên bố hồi tháng 9/2021 đã kêu gọi “mọi người không quan trọng tín ngưỡng hay thế giới quan, hãy cố lắng nghe tiếng khóc của Trái Đất, chấp nhận những hy sinh ý nghĩa để bảo vệ Trái Đất đã được Chúa ban cho”.
Thực tế cấp bách, nóng bỏng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã khiến những kỳ vọng dành cho CPO26 tại Glasgow trở nên quá lớn. Thậm chí, Thủ tướng Anh Boris Johnson – lãnh đạo nước chủ trì COP26 nhấn mạnh: “nếu Glasgow thất bại, tất cả sẽ thất bại”.
Những “cuộc ly hôn” không hề dễ dàng
Đó là ám chỉ đầy hàm ý của báo giới về nỗ lực từ bỏ than đá – một trong 4 vấn đề cốt lõi nhất được đặt lên bàn Hội nghị COP26 lần này (hỗ trợ tài chính khí hậu, thị trường mua bán phát thải carbon, than đá và khí methane). Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nền kinh tế phát triển chấm dứt sử dụng than đá trước năm 2030 và toàn thế giới chia tay với nguồn nhiên liệu này trước năm 2040 và cho rằng việc ngưng sử dụng than đá phải là chủ điểm đàm phán cắt giảm khí thải toàn cầu.
Tuy nhiên, đó là quan điểm của nước Anh, không phải của phần đa các quốc gia khi than đá đã là nguồn nhiên liệu chính yếu đồng hành với nền kinh tế nhân loại từ xưa đến nay. Đặc biệt, điều này càng trở nên bất khả thi tại châu Á – nơi chiếm 60% dân số thế giới và khoảng một nửa hoạt động chế tạo của toàn cầu, than đá đang được sử dụng như một hình thức nhiên liệu chính yếu.
Theo báo cáo “Đánh giá thống kê năng lượng thế giới” của Tập đoàn BP, chỉ tính riêng tại Trung Quốc – các nhà máy than đá ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ thải ra tổng cộng 170 tỷ tấn carbon trong vòng đời của mình, cao hơn cả tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu từ năm 2016-2020. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn tiến hiện nay càng cho thấy ý tưởng “ly hôn than đá” trở nên phi thực tế.
Ngoài câu chuyện cắt giảm khí thải methane có vẻ dễ đạt được đồng thuận hơn cả thì chuyện hỗ trợ tài chính khí hậu và việc mua bán phát thải carbon cũng là những vấn đề gây tranh cãi không kém. Con số 100 tỷ USD mà các quốc gia giàu có đã cam kết giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu đang trở nên “như muối bỏ biển” trong bối cảnh hiện nay và nếu không có hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ tài chính không đủ lớn, nhiều quốc gia nghèo hơn cho rằng họ không thể hành động tích cực hơn để cắt giảm lượng khí thải làm trái đất nóng lên.
Thống nhất được quy định mua bán phát thải carbon không hề là chuyện đơn giản khi mỗi quốc gia sở hữu một nền kinh tế mang những nét đặc trưng riêng cũng như đeo đuổi một mục tiêu riêng.
“Không phải năm sau. Không phải tháng sau mà là ngay bây giờ” – đó là điều được nhấn mạnh trong bức thư ngỏ của một số nhà hoạt động trẻ về khí hậu, bao gồm nhà hoạt động Thụy Điển Greta Thunberg gửi tới Hội nghị. Nhưng rõ ràng, để hy sinh lợi ích riêng của mỗi quốc gia vì lợi ích chung lâu dài của cả cộng đồng toàn cầu, chưa bao giờ là chuyện đơn giản. COP26 sẽ còn diễn ra tới 12/11 nhưng tới thời điểm này, hy vọng đạt được từ Hội nghị, xem ra quá đỗi mong manh.