Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Cao Bằng, hiện nay trên địa bàn chỉ có 3/37 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động đã tiến hành lắp trạm cân theo quy định. Đến nay chưa có đơn vị nào bị xử phạt về hành vi không lắp trạm cân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tổng số mỏ có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản còn hiệu lực trên địa bàn gồm: 33 mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT); 14 mỏ khoáng sản và tận thu khoáng sản.
Trong đó, có 27/33 mỏ khoảng sản VLXDTT lắp camera (có 4 mỏ chưa hoạt động khai thác do vướng giải phóng mặt bằng; 1 mỏ dừng hoạt động; 1 mỏ đang xây dựng cơ bản). Hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản VLXDTT chưa lắp đặt trạm cân.
Có 7 mỏ khoáng sản lắp đặt camera (trong 7 mỏ có 3 mỏ có lắp trạm cân), 7 mỏ khoáng sản chưa lắp đặt camera, trạm cân (trong đó có 2 mỏ chưa hoạt động khai thác; 1 mỏ dừng hoạt động; 1 mỏ đang xây dựng cơ bản).
Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản về lắp đặt camera, trạm cân, Sở TNMT tỉnh Cao Bằng không tổ chức riêng biệt mà thường xuyên lồng ghép vào trong các cuộc thanh tra, kiểm tra (theo kế hoạch hoặc đột xuất) việc chấp hành các quy định quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp.
Khoản 2 Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản quy định các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
Còn tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 17/2020/TT-BTNMT quy định: “Đối với trạm cân, phải lắp đặt phù hợp với điều kiện địa hình, điều kiện khai thác của mỏ, đảm bảo kiểm soát được toàn bộ khoáng sản nguyên khai đưa ra khỏi khu vực được phép khai thác. Chủng loại, kích thước của cân đặt tại trạm cân được lựa chọn phù hợp với quy mô, công suất, hạ tầng kỹ thuật của mỏ; loại hình mỏ, loại khoáng sản khai thác và loại phương tiện vận chuyển khoáng sản”.
Có thể thấy, pháp luật về tài nguyên, khoáng sản đã có những quy định chặt chẽ, rõ ràng về yêu cầu lắp đặt trạm cân, camera tại các mỏ khai thác khoáng sản. Việc để tình trạng nhiều mỏ đang khai thác khoáng sản trên địa bàn trong thời gian dài là có dấu hiệu buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng.
Đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo tiến thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định này, nhằm chấn chỉnh kịp thời việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và xử phạt nghiêm các đơn vị vi phạm tạo sự công bằng giữa các đơn vị cùng hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, tránh thất thu ngân sách.
Điều 39, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, quy định xử phạt về hành vi vi phạm quy định về lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã khai thác:
1. Phạt tiền đối với hành vi không lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển quặng nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan (trừ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh), cụ thể như sau: a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; b) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; c) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và điểm đ khoản này; d) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và điểm đ khoản này; đ) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản độc hại. |