TS Triệu Quốc An, Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành TP HCM cho biết đã nghiên cứu tìm ra giải pháp tái chế rác thải điện tử với chi phí xử lý thấp.
Giải pháp của TS Triệu Quốc An và nhóm nghiên cứu đã triển khai thành công ở quy mô phòng thí nghiệm, hoàn toàn có thể thay cho quy trình thu hồi kim loại quý từ bảng mạch điện tử thông dụng, không mất nhiều công đoạn xử lý, giúp giảm thiểu chi phí và giảm thiểu tác động môi trường.
TS Triệu Quốc An cho hay sẵn sàng hợp tác với các đơn vị có nhu cầu để hoàn thiện công nghệ và ứng dụng vào khai thác nguồn rác thải điện tử.
Theo các chuyên gia, môi trường rác thải điện tử có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, đây cũng là một nguồn “tài nguyên” to lớn, vì trong thành phần có chứa nhiều kim loại quý, hiếm. Do vậy, công nghệ xử lý rác thải điện tử hiện vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Để phục vụ cho mục tiêu quản lý chất thải điện tử theo xu thế kinh tế tuần hoàn, PGS-TS Nguyễn Đức Quảng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã giới thiệu quy trình công nghệ tách và thu hồi kim loại từ bảng mạch điện tử (PCB). Quy trình này cho phép thu hồi nhôm đến 96,6%, sắt (97%), đồng (83,5%), chì (75,3%) và thiếc (82,8%).
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm đã nghiên cứu tìm ra quy trình thu hồi Yttri và Europi trong đèn huỳnh quang sau sử dụng. Quy trình có tính ổn định cao, dễ vận hành, hiệu suất thu hồi trên 90% (Yttri có độ tinh khiết trên 95%, Europi có độ tinh khiết trên 90%).
Ưu điểm của quy trình này là không chỉ ứng dụng cho đèn huỳnh quang, mà còn cho cả đèn LED, màn hình LCD. Nhóm tác giả công nghệ cũng mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư để khai thác, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ này.
PGS-TS. Lê Văn Lữ, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thì giới thiệu giải pháp “Lò đốt bản mạch và tái chế kim loại”. Hướng xử lý của PGS-TS. Lê Văn Lữ cho phép tận thu các kim loại quý bằng phương pháp đốt và nấu luyện, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, hiệu suất tận thu và đáp ứng quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường.
Trong một hướng nghiên cứu khác GS-TS Trần Kim Qui, Viện Công nghệ Hóa sinh Ứng dụng TP HCM, cho biết đã nghiên cứu thành công “Quy trình sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học gốc thảo mộc, thân thiện với môi trường, với hoạt chất Azadirachtin chiết xuất từ hạt cây neem trồng ở Việt Nam”.
Quy trình sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học gốc thảo mộc từ hạt neem, hoạt chất Azadirachtin này đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền Giải pháp hữu ích (tháng 1-2020) được bảo hộ 10 năm tính từ ngày nộp đơn.
Nhóm nghiên cứu của GS-TS Trần Kim Qui hiện đang tìm địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo công nghệ vừa nói trên để sản xuất 3 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (có tên là Limo I 0.3EC, Limo F 0.1EC) và phân bón hữu cơ sinh học (AZA 250SP) từ hạt cây neem trồng ở Việt Nam.
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết ước tính hiện nay trên thế giới chỉ có 17% trong số 53,6 triệu tấn rác thải điện tử thải ra là được tái chế. Châu Á phát thải rác thải điện tử nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn), nhưng tỷ lệ tái chế chỉ đạt 12%.
Riêng tại Việt Nam đưa ra thị trường 514.000 tấn sản phẩm điện tử và phát thải 257.000 tấn rác thải điện tử. Tải lượng chất thải điện tử tính theo đầu người tại Việt Nam năm 2019 khoảng 2,7 kg/người. Nếu so sánh với thế giới (7,3 kg/người) và châu Á (5,6 kg/người), Việt Nam là nước có tải lượng rác thải điện tử tương đối cao trong khu vực, và sẽ còn tiếp tục gia tăng theo thời gian. |