Để có những bức ảnh của nhiều loài động vật quý hiếm trong các cánh rừng là cả một hành trình dài ngày của đội đặt bẫy ảnh. Họ phải luồn sâu trong rừng với nhiều hiểm nguy.
Hành trình đặt bẫy
Nhắc đến bẫy ảnh, anh Lộc Văn Tạo (30 tuổi, thành viên của Nhóm bảo vệ rừng chuyên trách, đóng tại Vườn quốc gia Pù Mát) tỏ vẻ hào hứng. Anh kể ngay, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam vừa phối hợp với vườn tiến hành đợt đặt bẫy ảnh lần thứ 2.
Lần này, anh cùng anh Nguyễn Văn Tân, Cao Nhật Long của Nhóm nghiên cứu thực địa phụ trách về bẫy ảnh (Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam) và 5 người dân bản địa đã hoàn thành đặt bẫy chỉ 15 ngày với 64 điểm đặt.
Khác với lần đầu theo đoàn đặt bẫy ảnh vào năm 2018. Lúc đó, anh Tạo chưa quen đi rừng, chỉ biết đi theo đoàn nghiên cứu hỗ trợ. Nhưng sau 3 năm với kinh nghiệm nhiều lần tuần tra bảo vệ rừng thì việc đặt bẫy ảnh với anh Tạo đã dễ dàng hơn. Anh đã nhớ đường, những điểm đặt, biết căn thời gian di chuyển và kỹ thuật đặt bẫy ảnh nhanh nhưng đảm bảo kỹ thuật.
Đầu tháng 5/2021, chiếc xe 24 chỗ chở nhóm 8 người và hành lý từ Vườn quốc gia Pù Mát tập kết tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Khe Choăng (cách đó hơn 40 km) bắt đầu hành trình đặt bẫy ảnh. Nghỉ chân một lúc ở trạm, đoàn lại đi xe máy chở lương thực, thực phẩm và 300 máy bẫy ảnh di chuyển hơn 12 km để vào lán tuần tra. Quãng đường 12 km này, cả đoàn rất vất vả di chuyển bởi đây là đường tuần tra biên giới, đường hẹp chỉ “lọt” được xe máy với nhiều lau lách, đá lởm chởm rất khó di chuyển.
Vào tới lán, cả nhóm nhanh chóng xếp lại đồ đạc, lương thực vào balo và gùi bắt đầu hành trình luồn sâu trong rừng, vượt qua hàng trăm khe, suối để đặt bẫy ảnh.
Người khỏe mạnh trong đoàn được phân công đi chuyển đến gần điểm đặt bẫy để dựng lán, chuẩn bị cơm nước. Thực phẩm chủ yếu của đội là lạc rang, cá khô, thịt lợn thái miếng ướp muối mặn. Đặc biệt, thịt lợn chỉ ngon vài bữa đầu, những ngày sau có mùi nhưng các thành viên cũng phải cố vì đây là món tươi có đạm duy nhất. Bữa cơm của đội cũng đơn giản. Mỗi ngày chỉ ăn bữa sáng và chiều. Buổi trưa chỉ ăn tạm lương khô hoặc nhai mì tôm sống.
“Bữa cơm chiều thường ăn sớm. Khoảng 16h là đội phải hạ lán và chuẩn bị nấu ăn. Bởi thời gian này trong rừng tối rất nhanh. Cả đội chỉ mong khoảng thời gian này đừng có mưa. Vì mưa rất vất vả trong việc nấu nướng. Những ngày mưa, cơm bị khê, sống là chuyện thường” – anh Tạo kể.
Việc ăn uống kham khổ đội có thể khắc phục được nhưng hành trình dài ngày trong rừng sâu gặp rất nhiều bất trắc. Có chuyến đi, đội phải vượt qua hàng trăm khe suối rồi trèo đèo, vượt thác để đặt đúng vị trí bẫy ảnh, đúng kỹ thuật.
Từ điểm đóng lán, cả nhóm bắt đầu chia ra để đi đặt bẫy ảnh. Nói thêm về kỹ thuật đặt bẫy, anh Võ Công Tuấn Anh – Trưởng phòng Khoa học (Vườn quốc gia Pù Mát) cho biết, chương trình sử dụng phương pháp đặt máy bẫy ảnh theo hệ thống ô lưới. Bẫy ảnh được đặt theo dạng lưới gồm các cụm và các trạm trải rộng trên diện tích vùng lõi của vườn.
Mỗi cụm cách nhau 1 km đường chim bay và được thiết kế theo hình vuông bao gồm 4 cụm cách nhau 500m đường chim bay. Tại địa điểm đặt máy sẽ tiến hành đặt 2 bẫy ảnh nằm đối diện nhau, cách nhau 5-10m. Mỗi bẫy ảnh đặt cách mặt đất 10-30 cm phụ thuộc vào điều kiện địa hình.
“Vị trí gắn máy sẽ được điều chỉnh để bộ phận cảm biến song song mặt địa hình tại khu vực đặt. Việc này cho phép bẫy ảnh chụp được ảnh với góc rộng nhất, gia tăng khả năng phát hiện động vật khi đến gần. Dưới mỗi bẫy ảnh được lót 1 lớp lá hoặc tấm nhựa mỏng để tránh bùn bắn lên khi trời mưa ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh” – Anh Tuấn Anh nói thêm về công việc đặt bẫy ảnh.
Ngoài ra, khu vực đất giữa 2 bẫy ảnh được dọn sạch lớp thực bì để tránh trường hợp bẫy ảnh tự động chụp cây cối khi có gió tác động. Chưa hết, sau khi cài đặt xong bẫy ảnh, một người sẽ cầm vải đỏ đứng trước bẫy ảnh 5-10 m để thử phạm vi chụp của bẫy ảnh. Vị trí đặt máy ảnh được lưu lại bằng thiết bị GPS để sau này thu về dễ dàng hơn.
Hoàn lương từ chuyến đi bẫy ảnh
Trong những chuyến đi bẫy ảnh, anh Lương Văn Kính (44 tuổi, ở bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông) luôn là người được ưu tiên được đoàn nghiên cứu thuê đi cùng. Bởi, anh từng là một lâm tặc khét tiếng tại đây với kỹ năng đi rừng “siêu hạng”.
Mình mắc tội với rừng, giờ phải trả. Dù đang đi ngược lại cách làm ăn sai trái của dân bản, dù bị đe dọa nhưng tôi sẽ thuyết phục bà con cùng bảo vệ rừng. Anh Lương Văn Kính tâm sự. |
Thế là năm 2018, anh Kính nhận làm “hoa tiêu” để dẫn đoàn nghiên cứu vào lắp bẫy ảnh. Do anh rất thông thạo thời tiết mưa nắng trong rừng, động dốc, khe suối và nơi các loại thú thường qua lại nên chuyến đi “mở hàng” suôn sẻ.
Anh Lưu Trung Kiên (Phó giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát) nhớ mãi về sự tỉ mẩn, chu đáo của anh Kính khi cả đoàn đi thay pin cho bẫy ảnh. “Lúc đó, cả đoàn rất vất vả khi chiếc khóa chống trộm máy ảnh tét gỉ đoàn không thể mở để thay pin được. Tuy nhiên, anh Kính mở túi lấy lọ dầu máy tra vào khiến các ổ khóa đều được đóng mở tanh tách dễ dàng. Hỏi anh về việc này, anh cười “các anh để những cái khóa này ngoài trời 3 tháng mà không có dầu máy thì chỉ có tài thánh mới mở được” – anh Kiên kể.
Sau một thời gian dẫn đoàn, anh Kiên khuyên anh Kính vào “Đội bảo vệ rừng cộng đồng” để phát huy hết khả năng của mình cho công việc phục vụ lợi ích chung.
Lời để nghị khiến anh Kính trằn trọc, chọn đi làm cho một tổ chức bảo tồn rừng là “ngược đường” với cả thôn bản, nơi mà hầu hết mọi người còn săn bắn, hái lượm, khai thác rừng. Tham gia đội bảo vệ rừng thì mình có yên thân ở mảnh đất này không?…
Nhưng khi thấy đoàn nghiên cứu nhìn cây rừng trìu mến và âu yếm, chăm sóc các con thú sa bẫy bị thương khiến anh Kính dần thay đổi suy nghĩ và quyết tâm gia nhập đội. Đến nay anh đã có thâm niên 3 năm trong đội bảo vệ rừng cộng đồng, đi phá hàng ngàn bẫy thú, giải cứu nhiều động vật.
Anh Võ Công Tuấn Anh – Trưởng phòng Khoa học (Vườn quốc gia Pù Mát) cho biết, bẫy ảnh là chụp hình dựa trên cảm ứng nhiệt và chuyển động. Tùy từng chương trình, mục tiêu mà bẫy ảnh được đặt trong rừng có thời gian khác nhau. Thường bẫy ảnh từ lúc đặt đến lúc tháo về khoảng 2-3 tháng.
Mục tiêu chính của bẫy ảnh là xác định sự phân bổ, hiện trạng của các loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Trên cơ sở đó, đề xuất các hoạt động nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và bảo tồn các tài nguyên động vật rừng. |