PWYP kêu gọi COP26 thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng

Ngay sau cuộc họp khai mạc COP26 diễn ra tại Glasgow, Mạng lưới công khai các khoản chi trả (Publish What you Pay – PWYP) ngày 1/11/2021 đã ra Tuyên bố kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng trong quá trình loại bỏ dần việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Dưới đây là nội dung Tuyên bố:

Khi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại COP26 trong tuần này, họ phải có hành động cấp thiết cụ thể. Các quyết định của họ phải đảm bảo công bằng, lấy con người làm trung tâm và chuyển dịch bền vững sang nền kinh tế các-bon thấp, bao gồm việc giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C nhằm hạn chế những tác động nguy hiểm nhất của khủng hoảng khí hậu.

Chúng tôi, các tổ chức được ký tên dưới đây là thành viên của Mạng lưới công khai các khoản chi trả (Publish What You Pay – PWYP), phong trào toàn cầu cho các ngành công nghiệp khai thác cởi mở và có trách nhiệm. Chúng tôi có nền tảng vững chắc với lượng thành viên đông đảo [hơn 1000 tổ chức thành viên và 51 liên minh quốc gia] tại các quốc gia và cộng đồng, nơi diễn ra hoạt động khoan và khai thác dầu khí. Chúng tôi nói về những quốc gia ít gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu nhất nhưng lại chịu tác động tồi tệ nhất và đối mặt với rủi ro cao nhất về sự chuyển dịch năng lượng không công bằng và bị quản lý yếu kém. Chúng tôi cũng nói về các quốc gia giàu có và phát thải carbon cao trong lịch sử cần phải hành động nhanh nhất và tài trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng.  

COP26 là thời điểm quan trọng để các chính phủ thực hiện hành động chưa từng có nhằm loại bỏ dần việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch giúp ngăn chặn sự ấm lên hơn 1,5 độ C. Tuy nhiên, việc không đặt con người vào trung tâm của quá trình chuyển dịch năng lượng cần thiết sẽ dẫn đến sự không công bằng. Dưới đây là thông điệp của chúng tôi dành cho các nhà lãnh đạo thế giới tại COP 26 và hơn thế nữa:

  • Chúng ta phải làm sạch các chuỗi cung ứng khoáng sản để mang lại một quá trình chuyển dịch công bằng: Nhu cầu về các khoáng chất như coban, lithium và đồng tăng gấp sáu lần có khả năng đi kèm với quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, hoạt động khai thác gây thiệt hại lớn cho sức khỏe, môi trường và sinh kế của người dân địa phương, đặc biệt là nhóm phụ nữ và trẻ em gái. Các cộng đồng địa phương cũng ít nhận thấy lợi ích kinh tế từ các hoạt động khai thác mang lại. Do đó, cần phải có sự tham gia của người dân, đảm bảo các quyền của người bản xứ, bao gồm sự đồng thuận, được thông báo trước cùng các quyền khác và các biện pháp quản trị mạnh mẽ nhằm tránh gia tăng thiệt hại cho các cộng đồng sống gần khu vực khai thác.
  • Đã đến lúc cần thực hiện nghiêm việc hỗ trợ các nước đang phát triển: Các nước giàu có thể không đạt được cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để hỗ trợ giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển – dù đối với nhiều quốc gia, nguồn tài chính này rất cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp bền vững. Tài chính là điều cực kỳ quan trọng đối với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch vốn sẽ cần đa dạng hóa nhanh chóng để thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng song song với việc bảo vệ sinh kế và khả năng tiếp cận năng lượng. Các nước giàu cần thúc đẩy và tài trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu một cách công bằng cũng như hỗ trợ các chính sách tạo thuận lợi cho đa dạng hóa kinh tế, tiếp cận năng lượng sạch, chuyển giao công nghệ và hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế khử cacbon. Ngoài ra, các nguồn tài chính quốc tế bổ sung khác cũng rất cần thiết để giải quyết các tổn thất và thiệt hại.
  • Tham nhũng và quản lý yếu kém có thể làm suy yếu quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng: Tham nhũng không chỉ làm suy yếu khả năng của nhiều quốc gia trong việc thu được lợi ích lâu dài từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn có nguy cơ làm chệch hướng quá trình chuyển dịch công bằng sang nền kinh tế các-bon thấp. Nguy cơ này sẽ càng trầm trọng hơn trong trường hợp hạn chế sự tham gia của người dân vào việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Cần minh bạch hơn nữa, đặc biệt là với các khoản thanh toán và các điều khoản hợp đồng nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho các loại khoáng sản chuyển dịch và đảm bảo rằng các doanh nghiệp, chính phủ phải chia sẻ công bằng về chi phí của quá trình chuyển dịch năng lượng. Sự minh bạch cũng cần đi kèm với một môi trường an toàn và tạo điều kiện cho người dân cùng các tổ chức xã hội dân sự tham gia nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình của chính phủ và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa (Nguồn: pwyp.org)

Cuộc khủng hoảng khí hậu cho đến nay vẫn là cuộc khủng hoảng lớn của nhân loại, gây bao mất mát, thiệt hại cho con người, ảnh hưởng đến các quyền cơ bản nhất của các cộng đồng bị ảnh hưởng, chẳng hạn như quyền được sống, thực phẩm, nước uống, sức khỏe và nhà ở. Mặc dù không ai thoát khỏi tác động của cuộc khủng hoảng này nhưng những người có thu nhập thấp, đặc biệt là người dân bản địa, các dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em gái và thanh niên là những người ít gây ra những tác động này nhất nhưng phải chịu nhiều thiệt hại nhất. Quá trình chuyển dịch năng lượng không được làm tăng thêm những tác hại và bất bình đẳng phát sinh từ cuộc khủng hoảng khí hậu. PWYP cùng các nhóm xã hội dân sự khác yêu cầu trách nhiệm giải trình lâu dài từ các chính phủ, doanh nghiệp và các cơ quan liên chính phủ về một quá trình chuyển dịch năng lượng thực sự công bằng, đúng quy trình và được quản lý tốt.  

Cùng với 277 thành viên khác, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng tham gia ký vào bản Tuyên bố PWYP nhằm khuyến nghị các nhà lãnh đạo thế giới cần chú trọng thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng trong quá trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nguồn:
PanNature