Chưa biết hội nghị khí hậu COP26 sẽ thu được gì khi vắng mặt ông Tập và ông Putin, trong khi Trung Quốc là nước xả khí thải nhiều nhất thế giới (28%) và Nga nhiều thứ tư (5%).
Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 26 (COP26) diễn ra ở Glasgow (Scotland) từ ngày 31-10 và sẽ kéo dài đến ngày 12-11. Đây là hội nghị khí hậu lớn nhất thế giới kể từ lần hội nghị COP21 ở Paris (Pháp) năm 2015.
Năm 1992, lãnh đạo các nước gặp nhau và ký thỏa thuận hứa hẹn sẽ bình ổn tiến tới cắt giảm việc xả khí thải nhà kính và ngăn chặn các biến đổi nguy hiểm với khí hậu. Gần như mỗi năm, các nước thành viên của thỏa thuận này gặp nhau bàn về những chuyện còn cần phải làm để đạt các mục tiêu này.
COP (Conference of Parties) có thể hiểu là hội nghị thường niên của các nước thành viên. Sự kiện đang diễn ra tại Glasgow là hội nghị lần thứ 26 của các nước thành viên, vì thế nó được gọi là COP26.
Sáu năm, Thỏa thuận Paris vẫn chưa được thực hiện
Tham dự COP26 có đại diện khoảng 120 nước. Mục tiêu chính của COP26 là thúc giục các nước thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải mà các nước này đã đưa ra tại hội nghị COP21 ở Paris sáu năm trước.
Theo Thỏa thuận khí hậu Paris, các nước hứa hẹn sẽ cùng cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đủ để giữ cho hành tinh không nóng lên quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nước giàu cũng hứa sẽ viện trợ những khoản tiền lớn cho các nước nghèo để giúp các nước này đối phó với BĐKH cũng như có thể giảm xả khí thải nhà kính.
Tiến độ hướng tới những mục tiêu đó không suôn sẻ. Sáu năm sau COP21, gần như mỗi nước đều không thực hiện được các nỗ lực chống BĐKH mà mình đã hứa hẹn, hãng tin AP dẫn một báo cáo khoa học cho biết.
Thực tế, bất kể các cam kết cắt giảm từ các nước tại hội nghị Paris, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng và tràn vào khí quyển với tốc độ cao. Tổ chức phi lợi nhuận Theo dõi hành động khí hậu đánh giá rằng kế hoạch của các nước có mức gây ô nhiễm lớn là “cực kỳ thiếu” và “rất thiếu”, trong đó có Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, Úc. Mỹ thì gần đây có cải thiện lên mức “thiếu”.
Các nước cũng chưa thực hiện lời hứa “tài chính khí hậu”, tức hỗ trợ tiền cho các nước nghèo đối phó với các hậu quả mà sự nóng lên toàn cầu gây ra. Lượng khí thải mà các nước đang phát triển xả ra môi trường thấp hơn nhưng vẫn phải chịu chung hậu quả từ sự BĐKH.
100 tỉ USD là số tiền các nước giàu cam kết hỗ trợ cho các nước nghèo mỗi năm để đối phó với hậu quả của BĐKH nhưng phần lớn vẫn chưa được thực hiện.
Trong khi đó, các nhà khoa học liên tục cảnh báo rằng tốc độ nóng lên nhanh của hành tinh dẫn tới hậu quả là thiên tai xảy ra với tần suất nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Hiện hành tinh đã nóng hơn thời kỳ tiền công nghiệp 1 độ C. Để giữ hành tinh không nóng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp thì các nước phải nhanh chóng cắt giảm lượng lớn khí thải nhà kính toàn cầu, đưa mức khí thải về 0 trong vòng 30 năm. Vì thế, áp lực đang gia tăng và cần thiết phải có hành động nhanh, mạnh, tập thể từ các nước.
Khó lạc quan với COP26
Hội nghị COP26 ở Glasgow lần này có thể sẽ buộc các nước phải đưa ra cam kết cắt giảm lớn hơn cũng như kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu này. Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu tất cả các nước thực hiện đúng các cam kết hiện tại của mình thì tốc độ xả khí thải sẽ dần chậm lại. Dự kiến trong kỳ hội nghị này, các nước nghèo – phần nhiều ở châu Phi – cũng sẽ thúc giục các nước giàu đưa ra cam kết cụ thể về việc hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát bi quan rằng khả năng COP26 sẽ không thu được gì đáng kể vì nguyên thủ nhiều nước vắng mặt, trong đó có hai nhân vật quan trọng là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trung Quốc là nước xả khí thải nhiều số một thế giới (28% toàn cầu) và Nga là nước đứng thứ tư (5% toàn cầu). Đứng thứ hai là Mỹ (15% toàn cầu) và đứng thứ ba là Ấn Độ (7% toàn cầu). Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham gia hội nghị lần này.
Theo báo Business Insider, sự vắng mặt của ông Tập và ông Putin sẽ ảnh hưởng đặc biệt lớn đến kết quả hội nghị. Không có hai nhân vật này, các lãnh đạo khác sẽ khó khăn hơn nhiều để có thể thống nhất được một thỏa thuận đủ nặng ký để ngăn chặn BĐKH.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người chủ trì hội nghị, đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các lãnh đạo khác của thế giới để có thể thông qua một kế hoạch hành động hiệu quả. Tuy nhiên, theo Washington Times, khó có thể lạc quan khi COP26 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chịu đựng cuộc khủng hoảng năng lượng và các hậu quả khủng khiếp từ đại dịch COVID-19.•
Mục tiêu cắt giảm khí thải của các nước lớn
Theo báo Washington Times, Trung Quốc đưa ra mục tiêu sẽ đẩy mạnh cắt giảm khí thải từ năm 2030 và tiến tới trung hòa khí thải vào năm 2060. Ấn Độ ra mục tiêu đưa mức xả khí thải về 0 vào năm 2050. Mục tiêu của Nga là đạt được sự trung hòa khí thải vào năm 2060. Chính quyền ông Biden đưa ra lời hứa giảm xả khí thải ở mức chưa có tiền lệ – giảm một nửa vào năm 2030 và đưa về mức 0 trước năm 2050, cũng như hứa sẽ tăng gấp đôi tiền hỗ trợ cho các nước nghèo. Dù Tổng thống Biden nỗ lực tái thiết hình ảnh Mỹ như một lãnh đạo toàn cầu chống BĐKH nhưng theo Washington Times, Mỹ hiện vẫn hứng chỉ trích mạnh từ cộng đồng thế giới quanh việc người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Chưa kể, Mỹ hiện vẫn là nước đứng số một thế giới về sản xuất nhiên liệu hóa thạch mà một khi đốt lên sẽ tạo ra carbon dioxide (CO2), nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, dẫn đến BĐKH. |