Thúc đẩy quyền sử dụng đất của người bản địa trước thềm COP26

Các nhà lãnh đạo bản địa từ khắp nơi trên thế giới đang hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vào cuối tuần này tại Glasgow, Scotland, nơi một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của họ sẽ là nêu bật quyền sở hữu đất của cộng đồng vốn thường bị bỏ qua để giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Các báo cáo mới được Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Tổ chức PRISMA công bố trước thềm Hội nghị nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của quyền đối với đất bản địa và khả năng tiếp cận tài trợ khí hậu trong việc chống lại khủng hoảng khí hậu.

Trong báo cáo mới công bố, WRI minh họa cách thức đảm bảo quyền đối với đất và rừng của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương khác (IPLC) sẽ giúp ngăn chặn nạn chặt phá rừng góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Chỉ riêng các vùng đất bản địa đã nắm giữ hơn 1/3 diện tích rừng tự nhiên rộng lớn trên hành tinh và khoảng 80% đa dạng sinh học trên thế giới. Tỷ lệ phá rừng ở các vùng lãnh thổ của người bản địa ở Amazon thấp hơn 2-3 lần so với các vùng đất không thuộc bản địa tương tự ở một số quốc gia Nam Mỹ. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các vùng đất hậu duệ của người bản địa và người gốc Phi ở một số khu vực Nam Mỹ đã làm giảm nạn phá rừng từ 30-75%. Tuy nhiên, hiện chỉ 10% diện tích đất của IPLC được chính phủ các quốc gia công nhận.

Bảo đảm quyền sử dụng đất là một chiến lược giảm thiểu khí hậu hiệu quả về chi phí, Báo cáo WRI nhấn mạnh.

Tháng 9/2020 tại Marseille, các tổ chức và nhà hoạt động vì quyền của người bản địa tham gia Hội nghị “Đất đai của chúng ta, Thiên nhiên của chúng ta” đã phát triển một tuyên ngôn kêu gọi ngừng hoàn toàn việc thành lập các khu bảo tồn mới thay thế IPLC. 50 bên ký kết tìm cách khẳng định vai trò của quyền sử dụng đất bản địa trong bảo vệ môi trường và chỉ trích Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu với mục tiêu bảo vệ 30 % đất liền và đại dương thông qua các khu bảo tồn loại trừ.

Bên cạnh việc thúc đẩy quyền sử dụng đất của người bản địa và các cộng đồng địa phương, một vấn đề khác cũng cần được ưu tiên giải quyết là nguồn tài trợ khí hậu cho các IPLC, Báo cáo PRISMA nhấn mạnh.

PRISMA cho hay các lãnh thổ cộng đồng bản địa và địa phương nắm giữ khoảng ¼ lượng carbon toàn cầu nhưng chỉ nhận được một phần nhỏ tài trợ khí hậu quốc tế. Chỉ 2,7 tỷ đô la được giải ngân trong giai đoạn 2011-2020 cho quyền sở hữu đất và quản lý rừng của IPLC, chiếm chưa đầy 1% hỗ trợ được chỉ định chính thức cho biến đổi khí hậu và dưới 5% hỗ trợ được chỉ định chính thức cho bảo vệ môi trường nói chung. Trong số này, chỉ một phần nhỏ có thể đến tay các cộng đồng IPLC trên thực địa.

Báo cáo PRISMA kêu gọi cần xem xét lại khuôn khổ tài chính khí hậu toàn cầu cũng như cách thức phân bổ. Từ trước đến nay, các chương trình và cơ chế tài chính chủ yếu phân bổ từ trên xuống trong khi chúng cần đi từ dưới lên. Phần lớn số tiền này được nắm giữ ở các cấp cao hơn và chỉ 10% tổng tài chính khí hậu được cam kết cho các cấp địa phương.

Báo cáo minh họa 3 nghiên cứu điển hình từ Trung Mỹ, xem xét các câu chuyện thành công của phong trào phụ nữ trong cộng đồng Cabécar bản địa ở Costa Rica, quản lý lãnh thổ Guna của người bản địa ở Panama và nhượng quyền rừng cộng đồng ở Guatemala, qua đó khẳng định rất ít cộng đồng nhận được hỗ trợ quốc tế.

Andrew Davis, đồng tác giả Báo cáo PRISMA cho biết khi tài trợ thành công, các nhà tài trợ thường liên tục chọn các dự án giống nhau thay vì hướng tài chính cho các sáng kiến ​​khu vực do người bản địa quản lý nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức cộng đồng địa phương đang thiết lập và vận hành các nỗ lực mới. Điều quan trọng nhất đối với các nhà tài trợ quốc tế là tìm hiểu các vùng lãnh thổ trước khi rót tiền.

Trọng tâm nghiên cứu của PRISMA là Mexico và Trung Mỹ trong khi Báo cáo của WRI tập trung ở Nam Mỹ. Sở dĩ có nhiều nghiên cứu hơn về mối liên hệ giữa quyền sở hữu đất và tỷ lệ mất rừng ở châu Mỹ Latinh so với các khu vực khác trên thế giới bởi việc lập bản đồ ranh giới các vùng đất bản địa và cộng đồng được công nhận là tiên tiến hơn trong khu vực.

Mai Lan (Theo Mongabay)

Nguồn: