Ngày 27/10/2021, tại bản Hợp 1 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh dấu việc nhân rộng mô hình 30 ha canh tác lúa nếp tan theo phương pháp cải tiến SRI. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Dự án VOF nhằm tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Tây Bắc Việt Nam.
Từ năm 2019, khi bắt đầu triển khai Dự án VOF tại Lai Châu, PanNature đã làm việc cùng Hội Nông dân tỉnh để thúc đẩy thành lập một Nhóm nông dân ứng phó BĐKH gồm 10 thành viên tại bản Hợp 1. Nhận thấy cây lúa nếp tan có nhiều tiềm năng về thị trường do đây là một trong những đặc sản nông nghiệp của vùng Phong Thổ, Dự án VOF đã hỗ trợ người dân chuyển đổi sang kỹ thuật SRI để giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ phương pháp canh tác lúa truyền thống. Chỉ sau hơn một năm áp dụng với 5 ha đầu tiên, các nông dân trong nhóm không chỉ thu về năng suất cao, chất lượng hạt tốt mà còn giảm đáng kể các tác động tiêu cực tới môi trường. Kết quả khả quan từ mô hình của Nhóm đã thu hút nhiều nông dân khác trong bản cùng tham gia, nâng tổng diện tích lúa nếp tan áp dụng phương pháp mới lên 30 ha và số lượng thành viên Nhóm lên 38 hộ gia đình. Mới đây, Nhóm còn ký kết hợp tác cùng Công ty TNHH MTV Giống Vật tư Nông nghiệp Tây Bắc để thúc đẩy sản phẩm tiếp cận thị trường.
Phát biểu tại Hội nghị đầu bờ, ông Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, “Trong những năm qua, không chỉ tỉnh Lai Châu mà cả nước đã phải chịu những tác động rất lớn của BĐKH. Bởi vậy, chúng ta nhất định phải làm nông nghiệp có thể thích ứng với BĐKH. Tỉnh đã ban hành Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, với các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp liên kết với người nông dân cũng như phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Và VOF là một dự án rất phù hợp với những định hướng nói trên của tỉnh. Chúc mừng bà con nông dân đã tham gia vào một dự án rất hay để thích ứng với BĐKH.”
“Qua báo cáo của Dự án, chúng tôi đề nghị, mô hình đã được thực hiện thành công thì cần phải tiếp tục được giữ vững và lan tỏa. Đề nghị Hội Nông dân và lãnh đạo huyện thúc đẩy để có nhiều mô hình tương tự. Và không chỉ dừng ở mô hình, chúng ta phải đưa được vào thực tiễn cuộc sống. Nghĩa là khi Dự án rút đi thì bà con nông dân vẫn tiếp tục làm theo phương pháp canh tác này.” – ông khẳng định.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đề nghị chính quyền xã Bản Lang tiếp tục vận động bà con và bà con vận động các hộ gia đình xung quanh mình để có thể hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho sản phẩm nếp tan. “Dự án này hay ở chỗ vừa làm cho năng suất tăng, vừa có doanh nghiệp bao tiêu, vừa hình thành vùng sản xuất, mà lại đồng thời có thể bảo vệ môi trường sống. Do đó, tôi rất mong bà con quyết tâm chuyển đổi phương thức canh tác và tổ chức, trở thành một cộng đồng mạnh có sự liên kết với doanh nghiệp, vì chính bà con sẽ trở thành người hưởng lợi. Rất mong phía doanh nghiệp phối hợp với chính quyền xã để làm thương hiệu sao cho trong năm nay sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Khi bà con đi siêu thị ở tận Hà Nội mà vẫn có thể nhìn thấy sản phẩm nếp tan của ta, thì đó chính là một niềm tự hào với bà con”.
Chia sẻ với phía nhà tài trợ và đơn vị thực hiện Dự án, ông Dũng bày tỏ mong muốn Dự án sẽ tiếp tục đồng hành đến cùng với người nông dân để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường. “Khi nào bà con ở đây có một vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khi nào nói tới nếp tan là nói tới Bản Lang, bà con tự hào về đặc sản quê hương mình, thì khi đó chính là lúc người dân được nâng cao tiếng nói. Một dự án đã triển khai trong 3 năm nay và tạo ra tác động rất lớn với sự đồng lòng vào cuộc của chính quyền các cấp, thì sẽ rất phí nếu chỉ thực hiện trong một giai đoạn”.
Đáp lại ý kiến của lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Điều phối viên Dự án VOF đánh giá, “Trong tổng số 6 địa bàn mục tiêu của Dự án VOF tại cả hai tỉnh Lai Châu và Sơn La, mô hình ở bản Hợp 1 là thành công nhất và đã trở thành bài học rất quý với Dự án. Chúc mừng bà con đã có một vụ mùa bội thu và cảm ơn các cấp, ban ngành đã giúp xây dựng một mô hình ý nghĩa. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng Dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh”.
Hội nghị đầu bờ đã thu hút sự quan tâm tham dự của lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã, các ban ngành địa phương, đại diện Công ty TNHH MTV Giống Vật tư Nông nghiệp Tây Bắc, Tổ chức ADDA Việt Nam – đơn vị tài trợ, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) – đơn vị điều phối, thực hiện Dự án và Hội Nông dân tỉnh Lai Châu – Ban Quản lý Dự án tại địa phương. Trên hết, 38 hộ gia đình thuộc Nhóm nông dân ứng phó BĐKH tại bản Hợp 1 cũng có mặt để nhìn lại kết quả của chặng đường thay đổi phương thức sản xuất theo định hướng bền vững hơn.
Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022.
Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu. |