Theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thế giới chỉ có 8 năm để giảm gần một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Báo cáo Khoảng cách phát thải mới nhất của UNEP phát hiện ra rằng các cam kết phát thải mới và cập nhật của các quốc gia, được gọi là những đóng góp do quốc gia quyết định (NDC), chỉ làm giảm 7,5% lượng phát thải dự đoán vào năm 2030. Cần giảm 30% để duy trì “con đường chi phí thấp nhất” ở 2oC và 55% là cần thiết để đáp ứng giới hạn nhiệt độ 1,5oC. Ở đây, con đường chi phí thấp nhất sử dụng sự kết hợp rẻ nhất của các phương án để giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho thấy những hứa hẹn mới nhất về khí hậu cho năm 2030 đang đưa thế giới vào tình trạng gia tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ này lên ít nhất 2,7oC so với đường cơ sở thời kỳ tiền công nghiệp.
Chỉ còn ít ngày trước khi diễn ra COP26, Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen kêu gọi các quốc gia thực hiện các hành động bao gồm hỗ trợ các nước đang phát triển giảm lượng khí thải. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta có 8 năm để giảm gần một nửa lượng khí thải nhà kính: 8 năm để lập kế hoạch, đưa ra các chính sách, thực hiện chúng và cuối cùng là cắt giảm”.
Tom Evans, cố vấn chính sách tổ chức tư vấn khí hậu E3G cho biết mục tiêu COP26 là “giữ cho 1,5oC tồn tại nhưng Báo cáo UNEP cho thấy cửa sổ đang đóng lại nhanh chóng”. Bất chấp đại dịch, nồng độ trong khí quyển của tất cả các loại khí nhà kính chính tiếp tục tăng vào năm 2020 và nồng độ carbon dioxide hiện đang cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong hai triệu năm qua.
Báo cáo mô tả tuyên bố cam kết không phát thải ròng dài hạn của 49 quốc gia và EU, bao gồm hơn một nửa lượng phát thải toàn cầu, là “sự phát triển tích cực” nhưng cảnh báo các cam kết thiếu những mục tiêu rõ ràng. Hiện mới có 13 thành viên G20 chịu trách nhiệm cho hơn một nửa lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0, trong đó 6 quốc gia đã luật hóa, 2 quốc gia đề cập trong các văn bản chính sách và 5 quốc gia ra thông báo. Tất cả đều hướng đến năm 2050, ngoại trừ Đức đặt mục tiêu cho năm 2045 và Trung Quốc, Ả Rập Xê-út cùng đặt mục tiêu cho năm 2060.
Liên hợp quốc lo ngại một số kế hoạch này thiếu các mục tiêu rõ ràng và chưa đề cập đến các hoạt động phát thải từ lĩnh vực hàng không quốc tế, vận tải biển và xuất khẩu, chẳng hạn theo quy định của Ả Rập Xê-út, khí thải các-bon do các quốc gia khác thải ra khi đốt dầu nhập khẩu từ vương quốc này không được tính vào lượng phát thải quốc gia.
Andrew Norton, Giám đốc cơ quan tư vấn của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) nhấn mạnh các nhà lãnh đạo thế giới cần đặc biệt lưu ý những cảnh báo từ UNEP bởi “cứ nóng tăng 0,1oC đồng nghĩa với nhiều biến động hơn, nhiều thiên tai hơn, nhiều người thiệt mạng hơn và chính các cộng đồng nghèo, dễ bị tổn thương sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên và tồi tệ nhất. Trong 50 năm qua, hơn 2/3 số ca tử vong trên toàn thế giới do các thảm họa liên quan đến khí hậu xảy ra ở các nước kém phát triển nhất”.
Cũng theo UNEP, các thành viên G20 đang không đi đúng hướng để đạt được cam kết ban đầu hoặc cam kết mới vào năm 2030. Mặc dù 10 thành viên dự kiến sẽ đạt được các mục tiêu NDC vô điều kiện ban đầu theo các chính sách hiện hành nhưng toàn bộ các thành viên được dự đoán sẽ không đạt được NDC vô điều kiện 1,1 gigatonnes tương đương carbon dioxide (GtCO2e) mỗi năm. Các quốc gia dự kiến sẽ đạt được mục tiêu vô điều kiện là Argentina, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Bang Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh, trong khi theo phân tích của UNEP, các quốc gia yêu cầu các chính sách mạnh mẽ hơn để đạt được các mục tiêu vô điều kiện của họ bao gồm Australia, Brazil, Canada, Mexico, Hàn Quốc và Mỹ.
Theo IIED, một số quốc gia giàu có đã đạt được các mục tiêu vô điều kiện của mình nên phải làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách phát thải toàn cầu.
Phục hồi xanh bị bỏ lỡ
Báo cáo tiết lộ hầu hết các quốc gia đã bỏ lỡ cơ hội sử dụng chi tiêu phục hồi Covid-19 để kích thích nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi các-bon thấp, chẳng hạn tại Mỹ, khoảng 16,7 nghìn tỷ USD được chi đến tháng 5/2021 cho các gói cứu trợ và phục hồi Covid-19, không bao gồm các quỹ của Liên minh châu Âu chưa được phân bổ. Trong số này, 2,25 nghìn tỷ USD được coi là chi tiêu phục hồi và chỉ 390 – 440 tỷ USD trong số này có khả năng giảm phát thải khí nhà kính.
Theo The Global Recovery Observatory, Pháp, Đức, Canada, Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch có thể được xếp vào nhóm các nước dẫn đầu về phục hồi xanh. Theo đó, chi tiêu xanh như một tỷ trọng trong chi tiêu phục hồi dao động từ 39% đến 75% đối với các quốc gia này. Ngoài ra, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Anh cũng được xếp hạng cao.
Liên hợp quốc cho rằng nếu không có sự gia tăng đáng kể viện trợ nước ngoài, chênh lệch chi tiêu giữa các nền kinh tế tiên tiến, thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách phát triển và hạn chế tiến bộ chống biến đổi khí hậu. Điều này cũng có nghĩa là nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển có khả năng trở thành những nước phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, đồng thời phải gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu mà trước đây chủ yếu do các quốc gia có thu nhập cao gây ra.
Bổ sung mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan trong NDC
Cũng theo UNEP, phát thải khí mê-tan là một lĩnh vực có nhiều hy vọng. Việc giảm lượng khí mê-tan từ nhiên liệu hóa thạch, chất thải và lĩnh vực nông nghiệp có khả năng đóng góp đáng kể vào việc thu hẹp khoảng cách phát thải và giảm sự nóng lên trong ngắn hạn.
NDC hiện tại chỉ yêu cầu cắt giảm khoảng 1/3 lượng khí mê-tan cần thiết để phù hợp với mục tiêu nhiệt độ 2oC và chỉ khoảng 23% mức cần thiết cho mục tiêu 1,5oC. Tuy nhiên, có nhiều cơ hội để đưa thêm các biện pháp giảm khí mê-tan vào NDC vì một số quốc gia đã thực hiện một số hành động như phát hiện, sửa chữa hệ thống dầu khí, loại bỏ khí đốt, thu hồi năng lượng từ khí bãi rác và giảm lãng phí thực phẩm.
Theo UNEP, chỉ cần áp dụng các biện pháp dễ thực hiện là có thể làm giảm lượng phát thải khí mê-tan do con người gây ra khoảng 20% vào năm 2030.
Mặc dù Báo cáo nhấn mạnh sự bất cập của các cam kết quốc gia về khí hậu hiện tại, nhiều nhà lãnh đạo đang chịu áp lực đáng kể trong việc ưu tiên hiệu quả kinh tế ngắn hạn hơn các vấn đề môi trường. Các nhà lãnh đạo toàn cầu cần nghiêm túc lưu ý đến lời kêu gọi cắt giảm lượng khí thải từ UNEP trước khi COP26 diễn ra vào cuối tháng này.
Ý Nhi (Theo Chinadialogue)