Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 26-10 cho biết năm 2020 là năm nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Á và thời tiết khắc nghiệt đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của châu lục này.
“Các tác động của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu tại khắp châu Á trong năm 2020 đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người sơ tán và gây thiệt hại hàng trăm tỉ USD, đồng thời tàn phá nặng nề hạ tầng và các hệ sinh thái” – báo cáo thường niên “Tình trạng khí hậu ở châu Á” của WMO cho biết.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas chỉ ra rằng thời tiết và khí hậu cực đoan, đặc biệt là bão lũ và hạn hán, đã tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia ở châu Á. Ngoài ra, cũng theo báo cáo, tình trạng mất an ninh về lương thực và nước, các nguy cơ sức khỏe và suy thoái môi trường đang gia tăng, từ đó đe dọa đến sự phát triển bền vững tại khu vực.
Báo cáo trên được công bố trước thềm Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự kiến diễn ra tại TP Glasgow – Scotland từ ngày 31-10 đến 12-11. Theo Reuters, nhiều thách thức đang chờ đón COP26, nhất là sau khi một báo cáo khác của WMO hôm 25-10 cảnh báo nồng độ khí thải nhà kính toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2020. Theo ông Taalas, tốc độ gia tăng hiện tại của của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ khiến nhiệt độ tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, tức chỉ tăng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
Với cam kết hiện nay của các nước, tổng lượng phát thải toàn cầu vào năm 2030 sẽ cao hơn 16% so với năm 2010, theo phân tích của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng tổng lượng phát thải vào năm 2030 cần giảm 45% nếu muốn đạt được mục tiêu nói trên của Thỏa thuận Paris, cũng như tránh những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu.