Cuối thu, đầu đông là thời điểm các loài chim như cu gáy, ngói, tu hú, cuốc, sẻ và các loại cò, gà đồng… di cư từ khu vực vùng cao xuống vùng thấp tránh rét, tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm “chính vụ” để những “sát thủ núi rừng” dùng các chiêu thức săn bắt chim.
Nhà ở vùng ven thành phố Lào Cai, gần cánh đồng trồng bạt ngàn ngô lúa, rau màu, quan sát mỏi mắt, anh Tuấn Anh vẫn chẳng nhìn thấy một bóng chim. Thế nhưng, khi trời sẩm tối, âm thanh hỗn độn từ các loại chim lại réo rắt cho đến tận sáng hôm sau. Bị “tra tấn” giấc ngủ, phần vì tò mò, anh quyết định cầm đèn pin “mục sở thị” xem chim ở đâu mà tiếng kêu nhiều như thế. Đến nơi, anh thấy một chiếc đài chạy pin đang treo lủng lẳng trên cành cây, bao quanh là hàng chục tấm lưới đan bằng loại cước siêu nhỏ. Anh Tuấn Anh cho biết: Tất cả âm thanh là từ đài pin phát ra để lôi kéo các loại chim, cò đến. Ban đêm, các loại chim, cò bay vào khu vực này sẽ dễ mắc lưới. Đây là cách bẫy chim được thợ săn sử dụng phổ biến những năm gần đây, không mất thời gian trông coi mà vẫn đạt hiệu quả cao.
Có hàng chục cách săn bắt chim, cò, nhưng để mỗi lần giật dây là bắt trọn cả đàn hàng chục, thậm chí hàng trăm con thì chỉ có dùng bẫy rập. Vào mùa này, những người chuyên săn bắt chim thường chọn khu vực có bãi đất bằng phẳng, gần hồ nước hoặc ruộng đồng để dựng một cái lều nhỏ rồi đặt bẫy. Mỗi chiếc bẫy dạng lưới có diện tích hơn chục mét vuông, phía dưới để mấy con chim giả màu trắng và chiếc đài chạy pin phát tiếng chim hót. Khi đàn chim đang bay trên bầu trời, nghe thấy tiếng kêu của đồng loại sẽ sà xuống, người ngồi trong lều chỉ cần kéo dây cho bẫy sập xuống, cả đàn sẽ bị tóm gọn. Anh Lương Tùng, một tay săn có tiếng ở thành phố Lào Cai bảo: Chỉ cần nhìn thấy đàn chim bay phía trên bẫy là chắc chắn chúng sẽ bị tóm gọn. Nhiều loại chim khôn thì bay phía trên vài vòng trước khi lao xuống, nhưng riêng cò mà nghe thấy tiếng kêu của đồng loại là xuống ngay. Mùa này chim, cò rất béo, được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán khá cao. Nếu may mắn, có ngày tôi săn được vài chục con, bán đi cũng thu cả triệu đồng.
Được biết, trong thời gian qua, lực lượng chức năng, đặc biệt là kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt động vật hoang dã nói chung, các loại chim, cò nói riêng, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra.
Hiện đang vào mùa săn bắt, nhiều loại chim được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội. Giá các loại chim, cò cũng khá đắt, từ 30 đến 100 nghìn đồng/con tùy loại nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến tình trạng săn bắt chim, cò không có xu hướng giảm. Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, thị xã tích cực hơn nữa trong việc ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật hoang dã nói chung. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có chế tài xử lý việc săn bắt chim, cò nên trước mắt, ngành chức năng chỉ tập trung tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, đồng thời tháo dỡ các lều, lán, lưới, dụng cụ… dùng săn bắt các loại chim.
Chim, cò là loài hoang dã, khi tiếp xúc hoặc sử dụng làm thực phẩm rất dễ lây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hơn nữa, việc săn bắt tự do sẽ khiến nhiều loại chim, cò có nguy cơ tuyệt chủng, tác động tiêu cực đến sự cân bằng của hệ sinh thái và môi trường sống của con người.