Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp để “đảm bảo giảm carbon an toàn” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng mà nước này đang phải đối mặt.
Trung Quốc đã nêu ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể để tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt trạng thái trung lập carbon trước năm 2060, đồng thời cho biết an ninh năng lượng và lương thực phải được xem xét trong bối cảnh những nỗ lực đó.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng thiếu hụt năng lượng trầm trọng ở Trung Quốc có nguy cơ làm lu mờ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính, cũng như các nước đang chuẩn bị cho một vòng đàm phán mới về khí hậu ở Glasgow bắt đầu vào ngày 31/10.
Trung Quốc nên “quản lý mối quan hệ giữa giảm ô nhiễm, giảm carbon và an ninh năng lượng, an ninh chuỗi cung ứng công nghiệp, an ninh lương thực và cuộc sống bình thường của người dân”, theo một hướng dẫn chính sách được công bố hôm 24/10.
Bản hướng dẫn, do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện (nội các) đồng công bố, kêu gọi một phản ứng hiệu quả đối với các rủi ro kinh tế của quá trình chuyển đổi xanh và carbon thấp, để “đảm bảo giảm carbon an toàn”.
Theo tài liệu này, tỉ lệ tiêu thụ năng lượng không hóa thạch của Trung Quốc, mà các chuyên gia gọi là các nguồn năng lượng sạch như phong điện, sẽ chiếm khoảng 20% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước vào cuối năm 2025. Tỉ lệ này sẽ tăng lên khoảng 25% vào năm 2030, và hơn 80% vào năm 2060.
Bản hướng dẫn cũng lưu ý rằng, lượng phát thải CO2 trên một đơn vị GDP của Trung Quốc sẽ giảm hơn 65% vào năm 2030, so với năm 2005, trong khi tổng công suất lắp đặt của điện gió và năng lượng mặt trời sẽ đạt hơn 1,2 tỷ KW vào năm 2030. Tỉ lệ che phủ rừng cũng sẽ đạt khoảng 25% vào thời điểm đó.
Để thực hiện những mục tiêu này, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách kiểm soát công suất đối với các ngành điện than. Nước này cũng sẽ cấm các dự án mới sử dụng nhiều năng lượng như lọc dầu hoặc ethylene, nếu chúng không nằm trong kế hoạch công nghiệp của đất nước.
Trung Quốc cũng sẽ xây dựng các kế hoạch thực hiện mức phát thải carbon cao nhất cho các ngành công nghiệp, bao gồm năng lượng, thép và kiến trúc, đồng thời thúc đẩy các ngành chiến lược mới như ô tô chạy bằng năng lượng mới và công nghệ sinh học.
Các biện pháp ngắn hạn để đảm bảo cung cấp than không mâu thuẫn với mục tiêu dài hạn của đất nước trong những năm tới và nhiều thập kỷ giảm phát thải carbon, Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, nói với Thời báo Hoàn cầu (Global Times) hôm 24/10.
Tian Yun, một chuyên gia kinh tế tại Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy trạng thái trung hòa carbon sẽ không dễ dàng như vậy ở miền Trung và miền Đông Trung Quốc, nơi tập trung nhiều công nghiệp sản xuất.
“Tôi cho rằng việc thúc đẩy các mục tiêu carbon cũng nên diễn ra một cách có trật tự, có thể bắt đầu từ các tỉnh không phụ thuộc vào các ngành sản xuất như Thanh Hải ở Tây Bắc và Hải Nam ở miền Nam, trước khi được mở rộng sang các khu vực khác”, Tian cho biết.
Minh Đức (Theo Globe and Mail, Global Times)