Tham vọng từ đề xuất chuyển nước lớn nhất thế giới của Trung Quốc

Red Flag River là đề xuất chuyển hướng nước liên lưu vực khổng lồ ở Trung Quốc. Được đặt theo tên kênh thủy lợi Red Flag nổi tiếng ở quốc gia này, đề xuất tham vọng chuyển hướng 60 tỷ mét khối nước hàng năm từ các con sông lớn của Cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng mong manh về mặt sinh thái, bao gồm ba con sông xuyên quốc gia (Mê Kông, Salween và Brahmaputra) đến Tân Cương khô cằn và các vùng khác của Tây Bắc Trung Quốc. Dù chưa phải là dự án chính thức và chưa được chính phủ Bắc Kinh phê duyệt nhưng từ khi phát hành bán chính thức vào tháng 11/2017, đề xuất đã thu hút nhiều sự chú ý trên các phương tiện truyền thông cả ở Trung Quốc và các nước hạ lưu.

Dự án được khởi xướng bởi Nhóm nghiên cứu S4679, bao gồm các viện sĩ, giáo sư và học giả trẻ, dẫn đầu là Giáo sư Wang Hao của Đại học Thanh Hoa kiêm viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, thành viên Ủy ban cố vấn Bộ Tài nguyên nước.

Ảnh: Wikimedia Commons/ Luca Galuzzi

Nếu được xây dựng, Red Flag River sẽ là dự án chuyển hướng nước liên lưu vực lớn nhất, dài nhất và tốn kém nhất thế giới. Tuy nhiên, dự án cũng nhận về một số chỉ trích. Nhà khoa học Trung Quốc Zhang Hongquan đặt câu hỏi về chi phí khổng lồ của đề xuất dự án và việc làm tăng khả năng thất thoát nước sinh hoạt khổng lồ một khi Red Flag River được triển khai. Yang Qinye thuộc Viện Khoa học Địa lý cũng cho rằng dự án Red Flag River có thể đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với nhiều lĩnh vực như địa chất, công nghệ, sinh thái, kinh tế – xã hội cả ở khu vực chuyển nước và nhận nước. Đặc biệt, Yang và các đồng tác giả nhấn mạnh tác động tiêu cực của Red Flag River đối với cân bằng sinh thái và cân bằng nước ở Trung Quốc, có thể dẫn đến những thay đổi về hệ sinh thái, chẳng hạn như mất môi trường sống. Tuy nhiên, các ý kiến không đưa ra được bằng chứng cụ thể và chưa đánh giá được toàn diện Red Flag River.

Dù vậy, là một dự án xuyên biên giới, Red Flag River không chỉ đi qua một số địa phương ở Trung Quốc mà còn làm giảm dòng chảy những con sông xuyên quốc gia, do đó có thể gây bất lợi cho các nước hạ nguồn.

Khác với Tam Hiệp, nhà máy điện lớn nhất thế giới về công suất lắp đặt chỉ chứa chưa đầy 1% tổng lượng xả của sông Dương Tử, được thiết kế để kiểm soát lũ trên sông Dương Tử nên có rất ít tác động đến dòng chảy hạ lưu, Red Falg River là một đề xuất cấp nước nội địa khổng lồ xuyên lưu vực. Không giống như một con đập luôn trữ nước trước khi xả nước, việc chuyển hướng nước đại diện cho một tổn thất ròng tuyệt đối. Điều này có nghĩa là đề xuất dự án có kế hoạch lấy một lượng nước đáng kể từ các nguồn nước dùng chung và không trả lại. Do đó, đề xuất chuyển hướng 21% nước của Red Flag River từ thượng nguồn của ba con sông xuyên quốc gia có thể gây quan ngại – mặc dù theo tính toán ban đầu, tác động từ việc chuyển hướng này không nhiều.

Trong trường hợp của sông Mê Kông, lưu lượng từ thượng nguồn của sông chỉ chiếm 2,96% tổng lượng xả của sông. Đối với sông Brahmaputra, lưu lượng từ thượng nguồn là 9,59%, mặc dù Trung Quốc có tỷ trọng không gian lớn nhất trong lưu vực này. Đối với Salween, lưu lượng từ thượng nguồn là 13,9%.

Với sông Mê Kông, việc chuyển hướng 21% nguồn nước từ thượng nguồn có nghĩa là dự án sẽ chuyển hướng 0,6216% tổng lưu lượng hàng năm của sông và con số này đối với Brahmaputra và Salween lần lượt tương ứng là 2% và 2,919%. Điều này cho thấy sự chuyển hướng 21% được đề xuất từ ​​thượng nguồn của ba con sông xuyên quốc gia khá nhỏ so với tổng lưu lượng dòng chảy của chúng, đồng nghĩa với thiệt hại ròng ước tính từ mỗi con sông xuyên quốc gia không nghiêm trọng như suy nghĩ ban đầu.

Tuy nhiên, việc trao đổi, chia sẻ thông tin với các nước hạ nguồn là rất cần thiết nhằm tránh những quan ngại về an ninh nguồn nước xuyên quốc gia. Lý tưởng hơn, Trung Quốc có thể xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin dưới hình thức các ủy ban hoặc thỏa thuận chia sẻ nguồn nước. Việc thiết lập một thỏa thuận hoặc ủy ban chia sẻ dữ liệu có thể cho phép tất cả các bên trao đổi dữ liệu về lũ lụt, hạn hán, băng tuyết và lượng mưa, qua đó đưa ra các đề xuất chính sách, cải thiện thực hành quản lý nước, vừa giảm bớt những lo ngại về an ninh nguồn nước, vừa hỗ trợ bảo tồn nước và bảo tồn sinh thái tốt hơn ở mỗi quốc gia ven sông.

Thảo Linh (Tổng hợp từ Thediplomat)

Nguồn: