Khi sự nóng lên toàn cầu gia tăng, trái đất đang phải chứng kiến vô số những trận cháy rừng do hệ quả từ biến đổi khí hậu. Đối với những người lính cứu hỏa trên khắp thế giới, đây thực sự là cơn ác mộng.
Đội cứu hỏa Babis Zacharis Hellenic ở Athens, Hy Lạp
Thời gian gần đây, Hy Lạp đã phải vật lộn với 81 vụ cháy rừng diễn ra trong đợt nắng nóng tồi tệ nhất tại quốc gia này trong hơn 30 năm qua. Khi màn đêm buông xuống cũng chính là lúc hơn 500 lính cứu hỏa đã chiến đấu với ngọn lửa trên sườn núi Parnitha, trong một khu vực cây cối rậm rạp ở ngoại ô thị trấn Varympopi và Adames.
Một tình nguyện viên cứu hỏa thuộc lực lượng cứu hộ Babis Zacharis Hellenic nhớ lại những trải nghiệm của bản thân: “Khi tôi nhìn thấy ngọn lửa, cảm giác đầu tiên là sự giận dữ, tôi xem chúng như kẻ thù.” Có những thời điểm ngọn lửa bùng cháy quá dữ dội, đôi khi những người lính cứu hỏa sẽ cảm thấy bất lực.
Đội cứu hỏa Scott Vinen ở Tasmania, Australia
Nhiệt độ cao kỷ lục, hạn hán kéo dài cùng với sức gió lớn đã khiến hỏa hoạn ở Australia lan rộng không kiểm soát trong những năm gần đây. Các vụ cháy rừng đã biến phần lớn bang New South Wales và Victoria của Australia trở thành vùng đất chết và khiến hàng nghìn người phải di tản. Tình trạng biến đổi khí hậu khắc nghiệt trên toàn cầu đã tạo ra những biển lửa, khiến quang cảnh nhiều nơi ở Australia trông không khác gì “ngày tận thế”.
Lính cứu hỏa tại hiện trường đám cháy rừng ở Tasmania, Australia. Ảnh: UFUA Tasmania.
Đối với những người lính cứu hộ, đó thực sự là nỗi ác mộng không ngừng tiếp diễn. Trong các trận cháy rừng luôn xảy ra trường hợp cây đổ và nếu như những người lính cứu hỏa đang ở trong bụi rậm, họ chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm. Vào năm 2016, khi đội Scott Vinen nhận nhiệm vụ chữa cháy ở một khu vực hẻo lánh, họ đã phải bay đến bằng máy bay trực thăng. Do tình hình thực tế không thể hạ cánh nên họ phải nhảy ra ngoài với ba lô, dụng cụ, thức ăn và nước uống. Trong lúc nhảy, một tia sét đánh trúng cây cổ thụ lớn và làm bừng sáng cả bầu trời.
Năm nay là một năm kỷ lục ở Nga, xét về quy mô cháy rừng, khi Trái Đất phải chứng kiến những đợt nắng nóng bất thường ở vùng Bắc Cực. Nhiều đám cháy do con người gây ra nhưng chính cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho chúng lan rộng.
Sonya Kosacheva đã nhận ra tình yêu với công việc cứu hỏa vào năm 2010 khi một người bạn hỏi cô có muốn tham gia tình nguyện không. Đó cũng chính là lúc nhiều cơ hội và thách thức hơn đến với Sonya. Là một phụ nữ, rất khó để làm việc như một lính cứu hỏa chuyên nghiệp ở Nga. Cho đến gần đây, phụ nữ có thể làm việc trong các vai trò hỗ trợ dịch vụ cứu hỏa thành phố nhưng không thể làm việc trực tiếp với lửa – người ta tin rằng công việc này quá nguy hiểm đối với phụ nữ.
Vào tháng 6 năm nay, Sonya được giao nhiệm vụ cứu hỏa tại khu bảo tồn thiên nhiên Denezhkin Kamen ở Urals (Nga). Ngọn lửa đã bùng cháy dữ dội do sét đánh. Sonya cùng đồng đội đã phải băng qua một con sông và sau đó là hai giờ đi bộ lên độ cao 600 mét. Vì nguồn nước gần nhất cách đó hai giờ nên họ quyết định đào một đường xung quanh ngọn lửa để dẫn nước. Cô cùng những người lính cứu hỏa khác đã phải làm việc liên tục trong vòng 10 ngày. Những gì còn lại sau đám cháy với Sonya chỉ là những vết bầm tím và sự kiệt sức.
Hiệp hội bảo vệ động vật Armonia, Bolivia
Theo chia sẻ từ một người lính cứu hỏa làm việc cho một tổ chức Bolivia tập trung vào việc bảo vệ các loài chim bị đe dọa nhất của đất nước, tổ chức này sở hữu một khu bảo tồn thiên nhiên rộng 11.000 ha, là nơi sinh sống của loài vẹt cổ xanh cực kỳ đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Đối với họ, lửa chính là mối đe dọa lớn nhất. Năm 2015 đã từng có một đám cháy bùng phát trên vùng đất lân cận đã vượt khỏi tầm kiểm soát và thiêu rụi toàn bộ khu bảo tồn. Họ không có hệ thống để bảo vệ khu vực trước hỏa hoạn và không ai trong số nhân viên khu bảo tồn được đào tạo về cách chữa cháy.
Hàng năm có những thời điểm thời tiết vô cùng khắc nghiệt, lũ lụt dữ dội, sau đó lại là một mùa khô dài. Vẫn có những dịch vụ cứu hỏa do chính phủ quản lý nhưng rất ít kinh phí để có thể duy trì bảo tồn và bảo vệ môi trường sống. Khi những ngọn lửa kéo đến, những nhân viên khu bảo tồn chỉ có thể cố gắng hết sức mình, tự trở thành những người lính cứu hỏa để nhanh nhất có thể cứu sống những chú chim quý hiếm.
Lính cứu hỏa Anna Mattila thuộc Dịch vụ cứu hộ Jokilaaksojen, Phần Lan
Phần Lan là một quốc gia có diện tích rừng khá lớn. Biến đổi khí hậu cũng đã khiến những trận cháy rừng ở quốc gia này tăng nhanh hơn. Vào tháng 7, Anna Mattila đã tham gia chiến đấu với đám cháy tồi tệ nhất trong sự nghiệp của mình. Đám cháy ở Kalajoki , một vùng hẻo lánh ở tây bắc Phần Lan, đã thiêu rụi hơn 300 ha rừng.
Anna Mattila đã làm liên tục trong 16 giờ đồng hồ. Nhiệt độ xung quanh đám cháy lên đến gần 30 độ C, trên khu vực có địa hình khó khăn. Mắt Anna cay xè và chảy nước vì khói. Nhưng đối với cô, điều căng thẳng hơn lại chính là về mặt tinh thần. Cô cùng đồng đội phải chịu trách nhiệm đảm bảo rằng những người lính cứu hỏa không bị thương và được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ trong khi những người mới sẽ thay phiên tiếp quản. Những đám cháy là một phần công việc của họ, nhưng đôi khi điều mà họ mong muốn lại là được thất nghiệp, được thoát khỏi những cơn ác mộng kéo dài.