Khoảng 20 đến 50% đất được tưới ở tất cả các châu lục đã trở nên quá mặn để có thể tăng độ màu mỡ và phì nhiêu, tạo ra những thách thức đáng kể cho hơn 1,5 tỷ người đang cố gắng trồng lương thực.
Thông tin này là một phần của Bản đồ toàn cầu về đất bị ảnh hưởng bởi muối, một công cụ mới do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra mới đây. Những loại đất được nhắc đến kém màu mỡ và kém năng suất hơn, tạo ra mối đe dọa đối với cuộc chiến chống nghèo đói trên toàn cầu. Chúng cũng làm giảm chất lượng nước và đa dạng sinh học của đất và làm tăng xói mòn đất.
Với bản đồ mới – một dự án chung có sự tham gia của 118 quốc gia và hàng trăm đơn vị thu thập dữ liệu, FAO hy vọng sẽ cung cấp thông tin tốt hơn cho các nhà hoạch định chính sách khi giải quyết vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và với các dự án thuỷ lợi.
Cơ hội chia sẻ kiến thức
Đất giàu dinh dưỡng là điều kiện tiên quyết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) và là cơ sở để đáp ứng các tiêu chí “4 tốt” của FAO, đó là: Sản xuất tốt hơn, mang lại nguồn dinh dưỡng tốt hơn, bảo đảm môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phát biểu khai mạc Hội nghị chuyên đề toàn cầu về đất bị nhiễm mặn mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, ông QU Dongyu cho biết thế giới phải tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để chuyển đổi sang các hệ thống nông nghiệp thực phẩm hiệu quả hơn, bao trùm hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn.
Mục tiêu chính của Hội nghị chuyên đề toàn cầu về đất bị nhiễm mặn nhằm chia sẻ kiến thức về ngăn mặn, biến đổi khí hậu và phục hồi hệ sinh thái và kết nối các nhà hoạch định chính sách với các nhà sản xuất lương thực và nhà khoa học. Tại sự kiện này cũng diễn ra một cuộc thi ảnh mang đến cho những người tham gia cơ hội chia sẻ những ý kiến về tác động của độ mặn đối với đất.
Sự kiện trên diễn ra trước Ngày Đất Thế giới vào ngày 5/12/2021 dành riêng cho các vùng đất bị nhiễm mặn với chủ đề “Ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn đất, nâng cao năng suất đất”.
Hoạt động của con người đang đe dọa chất lượng đất
Đất mặn hoặc đất chua có nguồn gốc tự nhiên và là nơi sinh sống của các hệ sinh thái có giá trị, bao gồm nhiều loại thực vật đã thích nghi với điều kiện nhiễm mặn. Tổng cộng, có hơn 833 triệu ha đất bị nhiễm mặn trên toàn cầu, chiếm 8,7% diện tích hành tinh. Hầu hết chúng có thể được tìm thấy trong môi trường khô cằn tự nhiên hoặc bán khô hạn ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh.
Tuy vậy, đất mặn hoặc đất chua cũng có thể do hoạt động của con người, do quản lý yếu kém, sử dụng quá nhiều hoặc không thích hợp phân bón, nạn phá rừng, mực nước biển dâng, mực nước ngầm ảnh hưởng đến tầng sinh học của đất hoặc nước biển xâm nhập vào nguồn nước ngầm sau đó được sử dụng để tưới tiêu, làm thoái hóa chất lượng của đất.
Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân
Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn, với một số dữ liệu cho thấy rằng các vùng đất khô hạn trên toàn cầu có thể mở rộng tới 23%, chủ yếu ở các nước đang phát triển, vào cuối thế kỷ này.
Theo FAO, đất nhiễm mặn (sự gia tăng muối hòa tan trong nước) và đất đông cứng (sự gia tăng hàm lượng cao của natri) nằm trong số những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với các vùng khô hạn và bán khô hạn, đối với đất trồng trọt ở các vùng ven biển và trong trường hợp tưới tiêu.
Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi nhiều biện pháp khác nhau, từ nâng cao nhận thức đến áp dụng các cách quản lý đất bền vững, thúc đẩy đổi mới công nghệ và cam kết chính trị mạnh mẽ hơn.