Nghề cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) luôn phải đối diện với nguy cơ bị các loài thú dữ tấn công, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Song với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (Trung tâm) vẫn gắn bó, chăm sóc chu đáo hàng trăm loài ĐVHD trong môi trường an toàn và đầy ắp tình yêu thương.
Nguyên tắc an toàn được đặt lên hàng đầu
Chia sẻ về tính chất nghề đặc thù, Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Đức Minh cho biết, đã là ĐVHD thì loài nào cũng nguy hiểm. Đối với các loài thú dữ (gấu, hổ) thì độ sát thương cao, còn đối với những loại thú nhỏ hơn (khỉ, beo, mèo rừng) độ sát thương không lớn, nhưng chúng lại rất nhanh nhẹn và tiềm ẩn những mầm bệnh mà nhìn bề ngoài không thể biết được.
Hoặc giữa các loài thú dữ, mức nguy hiểm tấn công cũng khác nhau. Chẳng hạn như hổ, để nuôi nhốt bảo đảm an toàn chỉ cần làm chuồng kiên cố, quây lưới B40 là ổn nhưng đối với gấu phải làm chuồng sắt đan thanh dày và thiết kế đường dây điện xung quanh hàng rào. Bởi, so với hổ, gấu ra đòn tấn công rất nhanh. Mặc dù nhìn bề ngoài gấu đi lại chậm chạp hơn hổ.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, nguyên tắc trong chăm sóc, cứu hộ ĐVHD là tuyệt đối không được chủ quan. Do đó, Trung tâm luôn thực hiện nghiêm túc nguyên tắc không tiếp xúc trực tiếp. Cụ thể, trước khi vệ sinh chuồng, công nhân phải lùa động vật sang một ngăn chuồng khác để thực hiện các thao tác, tuyệt đối không ở cùng không gian với động vật. Tất cả công nhân khi vào làm việc tại Trung tâm đều được học quy trình kỹ thuật cứu hộ, quy trình an toàn. Sau tập huấn, được thực hành làm thử từng bước một từ việc đơn giản đến phức tạp dưới sự hướng dẫn, giám sát của bác sĩ hoặc cán bộ kỹ thuật Trung tâm.
Không chỉ trong quá trình chăm sóc và thăm khám chữa trị, các tiêu chí an toàn cũng được Trung tâm đặc biệt đề cao. Đối với thú dữ, trước khi tiến hành thủ thuật, cùng với gây mê, phải tiến hành che chắn mặt của động vật, buộc chân, tay để bảo đảm an toàn cũng như đề phòng tình huống đột xuất trong quá trình can thiệp.
“Đội ngũ bác sĩ, nhân viên, công nhân tại Trung tâm luôn nắm rõ và thực hiện nghiêm túc quy trình cứu hộ, chăm sóc và tuyệt đối không để xảy ra sơ suất. Với tất cả loại động vật, trước khi can thiệp làm gì, chúng tôi đều phải tính toán biện pháp an toàn cao nhất và chỉ khi nào thực sự an toàn mới triển khai việc can thiệp. Nhờ đó, từ trước tới giờ, tại Trung tâm không xảy ra bất kỳ trường hợp nào động vật tấn công người” – ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh.
Tất cả vì mục tiêu tái hòa nhập thiên nhiên
Dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm nhưng vì tình yêu với động vật hoang dã, tập thể Trung tâm vẫn nỗ lực, trách nhiệm để mọi cá thể ĐVHD đang được cứu hộ luôn khỏe mạnh, sớm tái hòa nhập về thiên nhiên. Trung tâm luôn cân đối lao động để chăm sóc các cá thể ĐVHD với định mức cụ thể theo quy định, bởi không thể so sánh loài nào chăm sóc dễ hay phức tạp hơn loài nào. Lúc nào cũng đảm bảo 2 công nhân/chuồng nuôi nhốt ĐVHD, mọi thao tác, mọi khâu chăm sóc, cứu hộ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiêu chí an toàn.
Anh Nguyễn Thành Trung – nhân viên chăm sóc khu chuồng hổ của Trung tâm cho biết, hổ là loài động vật hung dữ, chỉ cần thấy người lạ đi qua là chúng sẽ gầm gừ, nhảy xổ lên cửa chuồng “thị uy”. Chỉ những người gan dạ, có kinh nghiệm và kiến thức chăm sóc thú dữ mới dám tiếp xúc. Mọi thao tác như lùa hổ vào các ngăn chuồng, cho chúng ăn, vệ sinh chuồng đều phải thao tác thật nhanh và an toàn.
Mỗi nhân viên ở Trung tâm đều có công việc riêng, tưởng chừng không quá nặng nề, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy không đơn giản. Bởi lẽ, thức ăn của các loài thường khác nhau, có loài ăn tạp, có loài khá kén mồi nên việc tìm và đặt mua thức ăn cho chúng không dễ dàng. Do đó, mọi công việc chăm sóc ở đây đều phải rất tỉ mỉ và hiểu sở thích, tính nết từng loài động vật để có biện pháp chăm sóc hợp lý.
Chẳng hạn như rùa, sẽ chết khi nhiệt độ trên 30 độ C, để bảo đảm sự sống cho chúng, Trung tâm phải lắp điều hòa và phải nhốt từng cá thể riêng lẻ vì chúng không thể sống chung. Tuy nhiên, không vì thế nhân viên nản lòng, mọi thao tác, khâu chăm sóc, cứu hộ đều được giám sát, thực hiện chặt chẽ để chúng vừa khỏe mạnh, vừa không quên bản năng, dễ thích nghi khi được trả về môi trường tự nhiên…
Nói về những khó khăn trong quá trình cứu hộ, chăm sóc các loài ĐVHD, Giám đốc Trung tâm Lương Xuân Hồng chia sẻ, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bố trí chuồng trại và phân công nhân lực theo hướng chuyên môn hóa của Trung tâm chưa như mong muốn, do số lượng ĐVHD thường xuyên quá tải, diện tích chuồng trại chật hẹp.
Trong khi đó, dự án mở rộng Trung tâm chưa được triển khai nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác cứu hộ các loài ĐVHD. Hơn nữa, ĐVHD đưa đến Trung tâm phần lớn được các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu trên đường vận chuyển đi tiêu thụ, trong đó lượng lớn bị thương, bị yếu do nuôi nhốt, vận chuyển dài ngày nên công tác cứu hộ, chăm sóc rất gian nan.
Mọi cá thể ĐVHD sau khi được Trung tâm tiếp nhận đều được cách ly theo thời gian quy định từ 20 – 30 ngày. Việc cách ly để thuận tiện theo dõi xem các cá thể này có mang mầm mống hay phát bệnh gì không nhằm tránh lây cho người và các loài động vật khác. Thực tế hiện nay, không phải cá thể ĐVHD nào cũng được tiến hành làm xét nghiệm hay khám sàng lọc, bởi có những đợt tiếp nhận với số lượng động vật lớn, điều kiện của Trung tâm chưa thể đáp ứng được.
Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Nguyễn Đức Minh |