COP15: Thách thức lớn vẫn còn phía sau

Phiên họp đầu tiên của Hội nghị đa dạng sinh học toàn cầu quan trọng nhất trong một thập kỷ (COP15) được tổ chức tại Côn Minh đã khép lại. Các đại biểu tham gia đàm phán nhất trí cho rằng các mục tiêu Aichi đặt ra trong năm 2010 đã bị bỏ lỡ thì Côn Minh không được phép thất bại. Dù vậy, vẫn còn không ít bất đồng cần giải quyết, nhất là về vấn đề tài chính và cách thức thực hiện.

Trong Tuyên bố Côn Minh được công bố vào tuần trước, các bên ký kết đều đảm bảo “đa dạng sinh học sẽ được phục hồi chậm nhất vào năm 2030”. Nhưng chưa rõ liệu điều này có trở thành hiện thực. Mục đích của phiên họp đầu tiên là đưa ra tham vọng chính trị mới thay vì tham gia vào các cuộc đàm phán thực sự. Do đó, vẫn phải chờ kết quả cuối cùng tại phiên họp lần hai và kết thúc sẽ diễn ra vào mùa xuân tới.

Cho đến nay vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có muốn đưa mục tiêu bảo vệ 30% trái đất vào năm 2030 vào khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu mới hay không (Ảnh: Alamy)

Ý tưởng bảo tồn 30% đất và biển của trái đất vào năm 2030 (mục tiêu 30 × 30) là chủ đề trọng tâm của COP15. Nó được đề cập xuyên suốt trong phiên họp đầu tiên sau khi xuất hiện tại bản dự thảo đầu tiên của khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 được công bố vào tháng 7/2021.

Một đánh giá năm 2019 của IPBES cho thấy chỉ 15% diện tích đất và nước ngọt toàn cầu và 7% diện tích biển được bảo vệ. Tuy nhiên, một số bên cảm thấy mục tiêu 30% quá tham vọng và không phải bên nào cũng đồng ý về ý nghĩa của con số này.

Đầu tiên, 30% là phạm vi tính trên toàn bộ bề mặt trái đất hay 30% đất liền và 30% đại dương hay mỗi quốc gia sẽ bảo vệ 30% lãnh thổ của mình? Dự thảo không nêu rõ điều này và vấn đề sẽ cần được đưa ra bàn đám phán. Điều đặc biệt gây tranh cãi là ý tưởng bảo vệ 30% đại dương sẽ kéo theo các tiến trình đa phương khác. Nếu các vấn đề xung quanh các khu bảo tồn trên biển không thể được giải quyết trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) thì mục tiêu đó cũng coi như bất khả thi.

Vấn đề thứ hai là 30% là loại nào? Một số quốc gia lo ngại việc tập trung vào số lượng hơn chất lượng sẽ dẫn đến việc bảo vệ các khu vực có giá trị bảo tồn nhỏ, chỉ đơn giản là để tạo ra số lượng. Nhưng mục tiêu chất lượng nên được đặt ra như thế nào thì khung dự thảo không hề đề cập. Một vấn đề khác là trong lịch sử, các khu bảo tồn thường hoạt động bằng cách loại trừ hoạt động của con người. Mục tiêu 30 × 30 sẽ cho thấy việc mở rộng các khu bảo tồn và có những lo ngại rằng điều này có thể gây tổn hại đến quyền của người dân bản địa và cộng đồng địa phương sống trong các vùng đa dạng sinh học. Do đó, một số bên ký kết và các tổ chức phi chính phủ không ủng hộ, thậm chí phản đối mục tiêu.

Bên cạnh mục tiêu 30 × 30, các ý tưởng mới nổi khác cũng khiến các nhà đàm phán khó giải quyết. Hai trong số này là thông tin trình tự kỹ thuật số về nguồn gen (DSI) và các giải pháp dựa trên tự nhiên (NbS).

DSI là thông tin thu được từ việc xác định trình tự và phân tích vật liệu di truyền. Khi CBD được thông qua vào năm 1992, Điều 15 nêu rõ một quốc gia có quyền chủ quyền đối với các nguồn gen của mình và thẩm quyền xác định quyền tiếp cận của các quốc gia khác đối với chúng. Quyền tiếp cận phải dựa trên sự đồng ý trước và có hiểu biết của quốc gia với thỏa thuận về cách thức chia sẻ lợi ích. Khi các cuộc thảo luận về vấn đề này bắt đầu vào những năm 1990, trọng tâm là các mẫu sinh học. Đến năm 2014, khi Nghị định thư Nagoya về tiếp cận và chia sẻ lợi ích các nguồn gen có hiệu lực để bổ sung cho CBD, việc số hóa thông tin di truyền được tăng nhanh theo cấp số nhân. Nhưng các lợi ích thương mại tiềm năng của thông tin kỹ thuật số này không được đề cập bởi các cơ chế chia sẻ lợi ích.

Các quốc gia giàu nguồn gen nhưng thiếu khả năng sử dụng chúng muốn DSI được bao phủ bởi các cơ chế chia sẻ lợi ích – một động thái bị các nước mạnh về công nghệ sinh học phản đối. Hai bên đã không thể thu hẹp sự khác biệt của mình. Các quốc gia phát triển cho rằng quyền truy cập mở phải là một nguyên tắc và hiện đã có nhiều cơ sở dữ liệu công khai về DSI. Họ nói rằng các cơ chế chia sẻ lợi ích sẽ làm giảm khả năng tiếp cận các cơ chế đó, cản trở sự đổi mới. Việc tuân thủ Nghị định thư Nagoya được cho là đã làm trì hoãn việc chia sẻ các mẫu bệnh cúm qua biên giới quốc gia, cản trở việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin. Đại dịch Covid-19 đã hỗ trợ thêm cho lập trường truy cập mở.

Nhưng với năng lực công nghệ hiện tại của mình, các quốc gia đang phát triển cho rằng một cơ chế chia sẻ lợi ích không bao gồm DSI sẽ không có giá trị. Trong cuộc hội đàm tại Côn Minh tuần trước, các đại biểu châu Phi đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng các nguồn gen của lục địa và DSI của họ, đồng thời kêu gọi các cuộc thảo luận về vấn đề này sớm đi đến thống nhất.

Kể từ năm 2019, Nam Phi và Na Uy – hai quốc gia tích cực nhất trong vấn đề chia sẻ lợi ích của DSI đã tổ chức hai vòng đàm phán thảo luận về các vấn đề DSI và thành lập một nhóm không chính thức nhằm đưa ra các đề xuất để đàm phán.

Một khái niệm mới nổi khác là NbS hay còn gọi là các giải pháp dựa trên tự nhiên đối với các thách thức về khí hậu và đa dạng sinh học. Nội dung này nhận được sự chú ý ngày càng tăng kể từ khi được đưa vào danh sách gồm 9 hành động tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động vì khí hậu của Liên hợp quốc năm 2019. Những người ủng hộ hy vọng NbS có thể giúp giải quyết cả biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học cũng như cung cấp tài chính khí hậu cho lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học đang tương đối thiếu vốn. Một ví dụ về NbS là phục hồi các hệ sinh thái ven biển như đầm lầy ngập mặn, tăng cường cung cấp các dịch vụ sinh thái, đồng thời hấp thụ các-bon và giảm thiểu tác động các cơn bão thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu gây ra.

NbS đóng vai trò quan trọng đối với cả việc giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, và nhiều quốc gia đã đưa những yếu tố này vào quy hoạch môi trường trong thập kỷ qua hoặc hơn. Trong số các Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) để chống lại biến đổi khí hậu do các quốc gia theo Thỏa thuận Paris đệ trình, hơn 90% bao gồm NbS.

Tuy nhiên, vị trí của NbS trong khuôn khổ CBD không chắc chắn. Kể từ năm 2000, CBD đã sử dụng thuật ngữ “phương pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái” hoặc EbA. Một bản dự thảo trước đó (được gọi là “zero draft”) của khuôn khổ đa dạng sinh học sau năm 2020 được công bố năm ngoái bao gồm mục tiêu: “Đến năm 2030, tăng cường đóng góp cho thích ứng – giảm nhẹ biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai từ các giải pháp dựa vào thiên nhiên và phương pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái”. Tuy nhiên, trong bản dự thảo được phát hành vào tháng 7/2021, “các giải pháp dựa trên tự nhiên” đã bị loại bỏ.

Tuyên bố Côn Minh vừa được thông qua vào ngày 13/10 cũng chỉ sử dụng thuật ngữ EBA với chú thích rằng “các phương pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái cũng có thể được gọi là “các giải pháp dựa trên tự nhiên”.

Vậy tại sao lại xảy ra tranh luận? Các quốc gia châu Phi và các tổ chức phi chính phủ quan tâm đến quyền của người dân bản địa lo ngại rằng đã có sự nhấn mạnh vào các chức năng lưu trữ carbon của NbS, với việc các nhà phát thải carbon sử dụng phương án trồng cây và các khoản bù đắp carbon khác ở các nước đang phát triển để tránh nghĩa vụ cắt giảm lượng khí thải, đồng thời tước đoạt quyền sử dụng rừng của người bản địa và cư dân địa phương. Một số người mô tả NbS là “chủ nghĩa thực dân carbon”.

Tại lễ bế mạc cấp cao COP15, Mạng lưới Thế giới thứ ba, một trong những đại diện của tổ chức phi chính phủ bày tỏ: “Các giải pháp dựa trên tự nhiên không đồng nghĩa với cách tiếp cận hệ sinh thái tuân thủ các nghĩa vụ bền vững trong CBD. Việc chấp nhận thuật ngữ gây tranh cãi này trong các quyết định của CBD mà không có định nghĩa rõ ràng cũng giống như việc viết một tờ séc trắng”. Điều quan trọng là phải giải thích “bản chất của ai đang được yêu cầu giải quyết vấn đề nào”.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng nhấn mạnh “các cách tiếp cận dựa trên hệ sinh thái như vậy không thay thế các hành động ưu tiên cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính khẩn cấp theo cách phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”.

Kinh phí và thực hiện

Hầu hết mọi diễn giả tại Côn Minh đều nói về sự cần thiết của tham vọng. Nhưng tham vọng luôn đi kèm với kinh phí.

Dự thảo khung chỉ ra khoảng chênh lệch tài chính hàng năm là 700 tỷ đô la Mỹ. Số tiền đó sẽ đến từ đâu? Mọi người đều vui mừng khi nói về việc mở rộng các nguồn tài trợ, tận dụng các đối tác ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực tư nhân nhưng các quốc gia đang phát triển rõ ràng muốn thấy nhiều tiền hơn đến từ chính phủ các quốc gia phát triển vì đó là nguồn kinh phí đáng tin cậy nhất.

Thu hoạch nhựa benzoin ở Bắc Sumatra, Indonesia. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong việc thiết kế và quản lý các khu bảo tồn. (Hình ảnh: Agusriady Saputra /Rainforest Action Network)

Tại lễ bế mạc, Nhóm châu Phi một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của một quỹ đa dạng sinh học cũng như tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực để cho phép sử dụng các nguồn tài nguyên sinh học và DSI của chúng. Nhóm Mỹ Latinh và Caribe cảnh báo rằng hai năm đại dịch đã dẫn đến tình trạng thiếu kinh phí chưa từng có khiến họ khó có thể hoàn thành các nghĩa vụ. Việc giành được phân bổ và sử dụng đầy đủ các nguồn tài trợ thích hợp luôn là một thách thức đối với CBD cũng như các thỏa thuận bổ sung của công ước này trong khu vực. Nhóm cho biết: “Một cam kết thực sự cung cấp các nguồn lực là một trong những sửa đổi chính cần được thực hiện nếu chúng ta muốn ngăn chặn và đảo ngược cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay”.

EU và các quốc gia phát triển khác thì vẫn kiên định với lập trường hiện có: cần huy động thêm các quỹ tư nhân và các quỹ viện trợ không được đổ vào các khoản trợ cấp có hại. Năm ngoái, Viện Paulson và các tổ chức quốc tế khác đã công bố một báo cáo về tài trợ đa dạng sinh học, nhận thấy việc chuyển hướng các khoản trợ cấp nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt gây tổn hại đến đa dạng sinh học, cộng thêm với việc cải thiện tính bền vững của chuỗi cung ứng, sẽ giúp giải phóng được gần 300 tỷ USD. “Nhưng điều này không được chấp nhận đối với nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là việc chấm dứt nguồn trợ cấp cho nông hộ nhỏ”, Coraline Goron, Trợ lý giáo sư về chính sách môi trường tại Đại học Duke Kunshan phát biểu trong Đối thoại Trung Quốc cho biết:

Trong ngày thứ hai của cuộc hội đàm Côn Minh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố 1,5 tỷ nhân dân tệ (230 triệu USD) tài trợ cho bảo tồn đa dạng sinh học ở các nước đang phát triển và kêu gọi các quốc gia khác đóng góp. Nhật Bản đáp lại bằng việc gia hạn 17 triệu đô la cho quỹ đa dạng sinh học của riêng mình, được thành lập từ khi tổ chức COP10 vào năm 2010. Tại lễ bế mạc, Vương quốc Anh cũng cam kết tài trợ thêm 200.000 bảng Anh (274.000 đô la) cho quỹ tín thác tự nguyện đặc biệt của CBD. Các nhà quan sát đã rất thất vọng khi không có cam kết tài trợ mới nào được thực hiện.

Tổng thống Pháp Emanuel Macron cam kết dành 30% tài trợ khí hậu cho đa dạng sinh học, Vương quốc Anh cũng cho biết một phần lớn tài trợ khí hậu bổ sung của họ sẽ được chi cho đa dạng sinh học. Nhưng đây chỉ đơn giản là sự phân bổ lại quỹ biến đổi khí hậu chứ không phải nguồn kinh phí mới.

Thu hoạch đậu nành ở bang Mato Grosso, Brazil. Trợ cấp cho phân bón và thuốc trừ sâu có thể dẫn đến việc lạm dụng hóa chất nông nghiệp và do đó, làm giảm chất lượng đất và ô nhiễm nguồn nước. (Ảnh: Paulo Fridman / Alamy)

Ngoài vấn đề huy động tài trợ, các cuộc thảo luận về cách thực hiện CBD cũng được theo dõi chặt chẽ. Các vấn đề thực hiện chủ yếu là do không đạt được các mục tiêu Aichi, vì vậy các đại biểu họp tại Côn Minh kêu gọi cải thiện điều này. EU kêu gọi xây dựng một “khuôn khổ giám sát hiệu quả” để đảm bảo đạt được các mục tiêu. Coraline Goron giải thích rằng EU muốn các cam kết quốc gia tuân theo khuôn khổ các mục tiêu toàn cầu và xem xét một hệ thống được thiết lập để ghi lại các cam kết đó. Điều này sẽ cho phép tính toán khoảng cách giữa tổng mục tiêu quốc gia và mục tiêu toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều bên ký kết không đồng ý.

Các bài phát biểu đến từ đại diện các quốc gia đang phát triển cho thấy họ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tài trợ, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực hơn là thực hiện.

Tuy nhiên, hai tuần trước phiên họp đầu tiên, Trung Quốc đã phát tín hiệu ủng hộ các cơ chế thực thi mạnh mẽ hơn. Ngày 27/9, Trung Quốc và EU tổ chức Đối thoại cấp cao về môi trường và khí hậu lần 2 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính và Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans. Hai bên nhất trí tiếp tục hướng tới một khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 đầy tham vọng, thực tế và cân bằng “với các mục tiêu và chỉ tiêu rõ ràng, khả thi, có thể đo lường được và các cơ chế phù hợp để giám sát, báo cáo, xem xét cũng như các điều khoản mạnh mẽ để thực hiện, lập kế hoạch, cùng các phương tiện để hỗ trợ việc thực hiện”.

Ngoài ra, hai bên cũng cam kết thúc đẩy quản trị đa dạng sinh học toàn cầu bên ngoài quy trình CBD, nhất trí giảm nạn phá rừng toàn cầu bằng cách tăng cường hợp tác về bảo tồn và quản lý bền vững rừng, bền vững chuỗi cung ứng cũng như chống khai thác gỗ bất hợp pháp và các hoạt động buôn bán liên quan.

Ý Nhi (Theo chinadialogue)

Nguồn: