Châu Phi chiếm dưới 4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết các sông băng ở lục địa này đều có thể tan chảy vào những năm 2040.
Một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba (19/10) nêu rõ việc châu Phi dễ bị ảnh hưởng do mất an ninh lương thực, nghèo đói và sự di dời dân số do biến đổi khí hậu.
Báo cáo được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, vì Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng các điều kiện khắc nghiệt có thể đẩy nhiều người di cư khỏi lục địa này.
Ước tính có khoảng 1,2 triệu người phải di dời do bão và lũ lụt vào năm 2020, gần gấp rưỡi số người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột trong cùng năm.
Bà Josefa Leonel Correia Sacko, ủy viên phụ trách kinh tế nông thôn và nông nghiệp tại Ủy ban Liên minh châu Phi cho biết: “Đến năm 2030, ước tính có tới 118 triệu người cực kỳ nghèo sẽ phải chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và nắng nóng khắc nghiệt ở châu Phi nếu các biện pháp ứng phó thích hợp không được đưa ra”.
Theo báo cáo của WHO kết hợp với Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), những người cực kỳ nghèo là những người sống với mức dưới 1,90 đô la mỗi ngày.
“Ở châu Phi cận Sahara, biến đổi khí hậu có thể làm giảm tổng sản phẩm quốc nội tới 3% vào năm 2050”, bà Sacko nói trong lời mở đầu của báo cáo.
Châu Phi chiếm dưới 4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng từ lâu đã được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Các vùng đất trồng trọt ở đây vốn đã dễ bị khô hạn, nhiều thành phố lớn của Châu Phi nằm dọc theo bờ biển và phần lớn dân số sống trong cảnh nghèo đói trên diện rộng.
Tổng thư ký WMO, ông Petteri Taalas cho biết châu Phi chứng kiến nhiệt độ tiếp tục tăng trong năm ngoái, “mực nước biển dâng nhanh”, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, lở đất và hạn hán. Tất cả đều là dấu hiệu của biến đổi khí hậu.
Báo cáo dự báo rằng với tốc độ hiện tại, cả ba sông băng của châu Phi sẽ biến mất vào năm 2040.
Ông Taalas cho biết: “Các sông băng cuối cùng còn sót lại ở phía đông châu Phi dự kiến sẽ tan chảy hoàn toàn trong tương lai gần, báo hiệu mối đe dọa về sự thay đổi sắp xảy ra và không thể đảo ngược đối với hệ thống Trái đất”.
Năm ngoái, khối lượng đất liền và vùng nước của châu Phi ấm lên nhanh hơn mức trung bình của thế giới, báo cáo cho biết. “Nếu điều này tiếp tục, nó sẽ dẫn đến việc tan băng hoàn toàn vào những năm 2040”, báo cáo viết.
Đặc biệt, núi Kenya dự kiến sẽ bị tan băng sớm hơn một thập kỷ, điều này sẽ khiến nó trở thành “một trong những dãy núi đầu tiên bị mất sông băng do biến đổi khí hậu do con người gây ra”, báo cáo cho biết.