Mỗi năm, hàng chục triệu chim di cư bay qua đường di cư kết nối các vùng đất ngập nước ở Bắc Á với Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Úc. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế – xã hội, nạn săn bắt trái phép đang đẩy các loài chim di cư đến bên bờ hủy diệt. Là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư Đông Á – Úc Châu, Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư.
Chim di cư – loài bị đe dọa tuyệt chủng
Hiện nay, trên thế giới chim di cư có 8 đường bay chính. Đường bay Đông Á – Úc (đường bay) kéo dài từ miền Viễn đông nước Nga và Alaska xuống phía Nam, qua phía Đông và Đông – Nam của châu Á, tới Úc và Niu Di-lân, đi qua 22 quốc gia. Đường bay Đông Á – Úc là nơi cư trú của hơn 50 triệu loài chim nước di cư thuộc hơn 250 quần thể khác nhau, trong đó có 28 loài quý hiếm trên thế giới. Việt Nam được xác định là một trong những khu vực trọng yếu nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay của chim di cư. Với lợi thế có các khu đất ngập nước dồi dào nguồn lợi, 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu, Việt Nam là điểm dừng chân nghỉ ngơi và kiếm ăn, lấy sức cho chặng bay tiếp theo của hơn 150 loài chim nước. Trong đó, vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long được biết như điểm đến của nhiều đàn chim quan trọng nhất đất nước.
Theo đánh giá của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các loài chim di cư là một trong số những loài chim bị đe dọa nhất. Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học, chức năng của hệ sinh thái mà còn có thể thổi bùng dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Một trong những loài bị đe dọa nhất trong khu vực là loài rẽ mỏ thìa, loài này sử dụng các vùng đất ngập nước ở Việt Nam vào mùa di cư. Bên cạnh đó, các loài sếu đầu đỏ, cò mỏ thìa… cũng đang trong tình trạng báo động.
Để bảo vệ những loài chim này, các nước đã ký kết các Công ước về bảo tồn các loài di cư (CMS), Hiệp định Chim biển Di cư Phi châu Á (AEWA)… cùng với đó là hàng chục tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có bảo tồn các loài chim di cư với những tên gọi khác nhau. Từ năm 2006, một số nước đã cam kết hưởng ứng Chiến dịch Ngày chim di cư thế giới được diễn ra hàng năm nhằm nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về bảo tồn các loài chim di cư. Tổ chức Ngày chim di cư thế giới còn đưa ra bản đồ đường bay của các loài chim, kêu gọi xây dựng các điểm đỗ an toàn để những đàn chim di cư có thể hạ cánh nghỉ ngơi trên hành trình vạn dặm.
Xây dựng Chỉ thị về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư, ngay từ năm 2014, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 34 của Chương trình Hợp tác Đối tác Đường bay Chim di cư Đông Á – Úc Châu (EAAFP). Ngoài ra, Việt Nam cũng đã cùng 84 quốc gia trên thế giới cam kết chấm dứt chuỗi cung ứng và buôn bán động vật hoang dã trái phép, hợp tác với các cộng đồng quốc tế để đảm bảo các giải pháp bền vững.
Bên cạnh đó, đứng trước nạn săn bắt chim di cư trái phép làm ảnh hưởng đến mục tiêu quốc gia và cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định pháp luật trong việc bảo tồn các giống loài động thực vật hoang dã (bao gồm các loài chim trời). Cụ thể như Luật Đa dạng sinh học; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Lâm nghiệp; Bộ Luật Hình sự (có 2 tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; đồng thời quy định xử lý hình sự cả pháp nhân thương mại nếu phạm các tội này); Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp… Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) với tư cách là thành viên của Hiệp hội Đường bay Đông Á – Úc (EAAFP) và Công ước Ramsar, Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực đã công nhận tầm quan trọng của việc bảo tồn các vùng đất ngập nước cho các loài chim di cư để tăng cường sự kết nối về sinh thái và thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan. Chính vì vậy, Bộ TN&MT xem việc bảo vệ các vùng đất ngập nước quan trọng cũng như bảo tồn các loài chim di cư là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong bảo vệ đa dạng sinh học trong 10 năm tới. Hiện nay, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Khi Chỉ thị này được ban hành, Bộ TN&MT có trách nhiệm rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; ban hành Danh mục và Hướng dẫn quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng chim hoang dã, di cư quan trọng; Phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và đường bay xuyên biên giới bao gồm các vùng chim di cư quan trọng, điểm dừng chân của chúng tại Việt Nam; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF): 1/5 tổng số các loài chim trên thế giới là chim di cư. Chúng thực hiện những hành trình dài nhất trong số các loài động vật trên thế giới, đồng thời phải đối mặt với vô vàn những nguy hiểm trong suốt chuyến đi như ô nhiễm nhựa, mất sinh cảnh hay những tác động của biến đổi khí hậu, tất cả đều là hậu quả do hoạt động của con người gây ra. |