Hàng loạt kho dự trữ lớn trên thị trường chợ đen bị phát hiện ở Philippines cho thấy có sự tham gia của các nhóm tội phạm có tổ chức đối với mặt hàng trai tai tượng khổng lồ và số phận của loài sinh vật này đang bị đe dọa từng ngày với mục đích để thay thế hoặc “rửa” các sản phẩm từ ngà voi.
Trai tai tượng khổng lồ (Tridacna gigas) là loài động vật thân mềm khổng lồ có chiều ngang hơn 1 m và nặng hơn 200 kg. Vỏ của chúng được chạm khắc như ngà voi và có thể được bán với giá cao ở Trung Quốc – nơi chúng được chế tác thành trang sức và các bức tượng. Ngoài ra, trai tai tượng còn bị khai thác tận diệt để phục vụ nhu cầu buôn bán cá cảnh và lấy thịt.
Các ngư dân tiếp tục kéo đến các vùng biển để săn tìm trai tai tượng ngay cả khi loài sinh vật này trở nên hiếm và khó tìm hơn.
Theo báo cáo mới công bố của Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (WJC), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại La Hay chuyên điều tra các mạng lưới tội phạm, nhà chức trách Philippines đã thu giữ khoảng 133.000 tấn vỏ trai tai tượng khổng lồ kể từ năm 2016, trong đó phần lớn tang vật đến từ vụ thu giữ kho dự trữ 132.000 tấn duy nhất ở miền Nam Philippines hồi tháng 10/2019. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong năm nay đã có ít nhất 6 vụ thu giữ với số lượng nhiều hơn 5 năm trước cộng lại.
Hàng loạt các vụ thu giữ tượng bán thân được làm từ vỏ trai tai tượng gần đây đang dấy lên câu hỏi về lệnh cấm ngà voi của Trung Quốc – có hiệu lực vào năm 2017 – ảnh hưởng như thế nào đến nhu cầu đối với các vật liệu trông giống ngà và phục vụ chức năng văn hóa tương tự. Báo cáo của WJC cho biết vỏ trai tai tượng khổng lồ có thể được “dùng làm vỏ bọc để “rửa” các sản phẩm từ ngà voi ở Trung Quốc” hoặc “thị trường có thể chuyển sang ưa chuộng” các sản phẩm thay thế ngà voi.
Olivia Swaak-Goldman, Giám đốc điều hành WJC khẳng định: “Chúng tôi biết có mối liên hệ giữa hai [sản phẩm] và chúng đang được buôn bán cùng nhau”. Tám vụ thu giữ vỏ trai tai tượng khổng lồ của chính quyền Trung Quốc – gần 1/5 trong số này được báo cáo công khai trong 5 năm qua – bao gồm ngà voi chạm khắc hoặc các sản phẩm giống ngà, chẳng hạn như ngà kỳ lân biển, ngà voi ma mút và mỏ chim hồng hoàng mũ cát. Các cuộc điều tra sơ bộ của WJC cho thấy có sự gia tăng buôn bán các sản phẩm từ ngà voi ma mút trên các nền tảng thương mại điện tử từ khi lệnh cấm buôn bán ngà của Trung Quốc có hiệu lực.
Trai tai tượng khổng lồ được luật pháp quốc gia bảo vệ ở hầu hết những nơi chúng sinh sống – trong vùng biển của Biển Đông, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Biển Đỏ. Buôn bán quốc tế tất cả 12 loài đều bị hạn chế theo Công ước CITES. Tuy nhiên, ngay cả khi “vua của các loại vỏ” hay “vàng trắng của biển” trở nên khan hiếm hơn, nạn săn trộm vẫn tiếp diễn.
Tridacna gigas, loài trai khổng lồ lớn nhất thế giới, hiện đã bị tuyệt chủng tại một số địa điểm ở Philippines và các nơi khác. Các loài trai tai tượng khổng lồ phổ biến khác cũng bị nhắm mục tiêu cho buôn bán bất hợp pháp gồm trai tai tượng khổng lồ phía Nam, trai tai tượng vảy, trai tai tượng lớn.
Ước tính về giá trị của những vỏ trai tai tượng khổng lồ bị thu giữ ở Philippines rất khác nhau nhưng chúng có thể trị giá hàng chục triệu đô la nếu không muốn nói là hơn, theo WJC. Các nhà chức trách Philippines nghi ngờ số vỏ trai này được gửi đến Trung Quốc bằng thuyền và khối lượng lớn của chúng cho thấy có sự tham gia của các nhóm tội phạm có tổ chức, WJC cho biết.
Nếu tính theo trọng lượng, tổng số vỏ trai tai tượng khổng lồ bị thu giữ trong 5 năm qua chiếm đến 99% hàng lậu của Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ghi nhận nhiều vụ bắt giữ cá nhân hơn – ít nhất 46 vụ từ năm 2016 – 2021 so với 14 vụ cùng thời kỳ ở Philippines – mặc dù các vụ tịch thu có thể chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giao dịch, WJC cho biết.
Không rõ Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến buôn bán động vật hoang dã nhưng các vụ bắt giữ động vật hoang dã bất hợp pháp trong năm 2020 nhìn chung giảm, một phần có thể do khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp. Tuy nhiên, vụ bắt giữ trai tai tượng khổng lồ vào tháng 10/2019 cho thấy kho dự trữ của Philippines đã được tích tụ trong nhiều năm trước đại dịch. Đáng chú ý là một số ngư dân có sinh kế bị gián đoạn do đại dịch có thể đang chuyển sang buôn bán trai tai tượng khổng lồ.
“Vỏ như ngọc”
Việc buôn bán trai tai tượng khổng lồ thường diễn ra ở các cửa hàng nhưng một số sản phẩm chạm khắc được bán trực tuyến, WJC lưu ý. Trên WeChat, người bán liên tục thay đổi các từ khóa để mô tả trai tai tượng, đôi khi sử dụng các cụm từ như “vỏ như ngọc”. Ngoài ra, các nhà giao dịch cũng gửi qua tin nhắn để tránh hoàn toàn việc tìm kiếm từ khóa.
Vỏ trai tai tượng trong các vụ bắt giữ ở Philippines bị khai thác từ các rạn san hô gần đây hay từ nhiều năm trước vẫn là một câu hỏi. Tuy nhiên, những kẻ săn trộm đang nhắm mục tiêu vào cả vỏ hóa thạch cũng như vỏ trai sống dù cả hai đều quan trọng đối với sự toàn vẹn về cấu trúc của các rạn san hô. Trai tai tượng khổng lồ sống hoạt động như bộ lọc nước, giúp loại bỏ các chất ô nhiễm khỏi nước khi chúng ăn tảo và sinh vật phù du.
Trong những năm gần đây, khi trai tai tượng khổng lồ nằm trong tầm với của các chân vịt tàu thuyền đã cạn kiệt, ngư dân chuyển sang sử dụng “các phương pháp mà bạn sẽ thấy trong cứu hộ hàng hải, chẳng hạn như dùng máy bơm nước áp suất cao để hút sạch bùn cát”. Việc theo dõi hoạt động này gặp rất nhiều khó khăn vì chúng không để lại dấu vết khi bạn có thể quan sát từ các hình ảnh vệ tinh. “Đáng chú ý là việc hút vật chất xung quanh vỏ trai tai tượng còn tạo ra các mảng trầm tích bám trên san hô và các sinh vật biển khác, ngăn chúng nhận ánh sáng mặt trời cần thiết để tồn tại”, Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington cảnh báo.
Trai tai tượng khổng lồ có thể không phải là “loài thực sự đáng yêu hay mang tính biểu tượng” nhưng những hành vi vi phạm đối với loài sinh vật này đòi hỏi phải có những hành động và nghiên cứu sâu hơn, Swaak-Goldman nhấn mạnh.
Giờ đây, các rạn san hô trên khắp thế giới không chỉ bị đe dọa bởi sự ấm lên của đại dương, tình trạng axit hóa và dịch bệnh mà sự tàn phá do thu hoạch trai tai tượng khổng lồ còn khiến chúng có thể không tồn tại được.
Ý Nhi (Theo Nationalgeographic)