Nhật Bản sẽ giúp các nước Đông Nam Á theo dõi và đo lường lượng phát thải khí nhà kính ở từng ngành công nghiệp.
Đây là điều cần thiết vì các nhà sản xuất đều phải đạt tiêu chuẩn về khí thải mới có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới. Các kế hoạch của sáng kiến trên sẽ được soạn thảo trong tháng 10 và công bố tại Hội nghị về Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), bắt đầu từ ngày 31-10.
Kiểm soát khí thải nhà kính lại đang là một lỗ hổng lớn ở khu vực đông đúc và có tốc độ phát triển công nghiệp rất cao tại châu Á. Nhiều quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thiếu phương pháp theo dõi, khiến việc đo lường và tính toán lượng khí thải tại các công ty riêng lẻ gặp nhiều khó khăn.
Theo tạp chí Nikkei Asian Review, mô hình của Nhật Bản, bao gồm các phương pháp tính toán được các công ty sử dụng, cũng sẽ là tiêu chuẩn mà các quốc gia thành viên ASEAN có thể sẽ áp dụng ngay trong những năm tới.
Do đó, Nhật Bản có kế hoạch cung cấp hỗ trợ và tham gia các dự án chung về môi trường tại các quốc gia Đông Nam Á. Tại Philippines, một thử nghiệm thực địa sẽ bắt đầu vào mùa hè tới để tính toán lượng khí thải theo từng ngành nghề.
Quá trình lựa chọn đã bắt đầu với sự hợp tác của Bộ Môi trường và Phòng Thương mại nước này, trước tiên sẽ theo dõi mức độ phát thải của ngành sản xuất xi-măng.
Tính toán phát thải ở Philippines có thể sẽ dựa trên dữ liệu bao gồm điện và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, cũng như khối lượng sản xuất. Khí metan phát ra từ chất thải trong môi trường cũng sẽ được đo lường. Quá trình lựa chọn các lĩnh vực cần được đo lường cũng đang được tiến hành tại Việt Nam và Thái Lan.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Joe Biden có khả năng sẽ từ bỏ chương trình năng lượng sạch, vốn là trọng tâm trong nỗ lực giải quyết phát thải khí nhà kính, do vấp phải sự phản đối của thượng nghị sĩ Joe Manchin của Tây Virginia – bang nổi tiếng với ngành công nghiệp than.
Ngành công nghiệp dầu mỏ cũng nỗ lực ngăn cản Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu 3.500 tỉ USD của chính quyền ông Biden, vì có thể gây tổn hại lợi ích của ngành này.