Các bãi bồi và rừng ngập mặn Navotas ở Vịnh Manila, phía Tây của Metro Manila, Philippines đang bị chôn vùi trong một lớp rác dày đặc. Chúng bao gồm những đôi dép tông bị bỏ rơi, giấy bạc gói thức ăn cũ, túi nilon nhàu nát và chai nước bỏ đi.
Các vùng đất ngập nước có ý nghĩa môi trường rất lớn. Chúng cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài chim di cư, ngăn chặn nước lũ và giúp giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ lượng carbon dioxide lớn hơn nhiều so với rừng núi.
Tuy nhiên, ô nhiễm nhựa có thể tàn phá khu vực này. Ông Diuvs de Jesus, một nhà sinh vật biển ở Philippines, người chụp những bức ảnh về rừng ngập mặn Navotas trong một chuyến thăm gần đây, cho biết rừng ngập mặn gần như bị “bóp nghẹt” do ô nhiễm rác thải nhựa.
Bà Janina Castro, thành viên Câu lạc bộ Chim hoang dã của Philippines và là người vận động bảo tồn đất ngập nước cho biết, rừng ngập mặn có rễ đặc biệt, được gọi là rễ khí sinh. Nhựa có nguy cơ gây ngạt thở cho các rễ khí sinh, làm suy yếu và có khả năng làm chết cây ngập mặn.
Bãi bồi và rừng ngập mặn Navotas là một trong những bãi bồi cuối cùng ở Vịnh Manila, một khu vực từng được bao bọc bởi những bụi cây và cây cối xanh tươi. Nhiều người cho rằng Manila được đặt theo tên của cây Nilad, một loại cây gạo mọc hoa trắng và từng phát triển mạnh dọc theo đường bờ biển.
Theo một ước tính được trích dẫn bởi Quan hệ Đối tác Quản lý Môi trường Biển Đông Á (PEMSEA), vào cuối thế kỷ 19, có tới 54.000 ha đầm lầy rừng ngập mặn dọc theo vịnh Manila. Đến năm 1995, diện tích này đã giảm xuống còn dưới 800 ha.
Ông De Jesus cho rằng vịnh Manila có thể giảm đáng kể lượng rác thải nếu cấm đồ nhựa dùng một lần. Ông lo lắng về mối đe dọa hiện hữu của việc khai hoang – nơi mà các đường bờ biển được mở rộng ra khi đá, xi măng và đất được sử dụng để xây dựng vùng đất mới trên biển.
Rừng ngập mặn và bãi bồi Navotas rất quan trọng đối với sự tồn tại của các loài chim di cư đến Philippines. Một số loài chim có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm cò thìa mặt đen, kỳ đà viễn đông và kỳ đà lớn, được phát hiện kiếm ăn trong các vùng đất ngập nước. Bà Castro cho biết, chim chiến (frigatebird) trên Đảo Christmas (Úc) có nguy cơ bị tuyệt chủng gần đây cũng đã bay qua Navotas.
Các nhà bảo vệ môi trường lo ngại ô nhiễm rác thải nhựa có thể gây hại cho các loài trên. Cá, chim và các động vật có vỏ có thể ăn các hạt vi nhựa. Rác thải nhựa cũng có thể dẫn đến sự tích tụ các hóa chất độc hại và hoạt động như một vật trung gian truyền bệnh, đe dọa các loài chim và con mồi của chúng.
Theo bà Castro, mặc dù một số quốc gia đang nỗ lực bảo tồn các loài trên, nhưng những nỗ lực này cần được nhân rộng ở tất cả các địa điểm, trong đó có Philippines.
Bà Castro khẳng định: “Việc nhìn nhận các bãi bồi không có giá trị hoặc thẩm mỹ như các loại đất ngập nước khác là một quan niệm sai lầm. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong du lịch, cung cấp sinh kế và bảo vệ sóng. Giáo dục công chúng về những lợi ích này là rất quan trọng cho sự tồn tại của chúng”.